MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: DN nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế

27-09-2023 - 14:25 PM | Doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: DN nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá cao những kết quả doanh nghiệp nhà nước đã đạt  được, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Phát biểu tại toạ đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Nhìn lại và Hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá cao những kết quả doanh nghiệp nhà nước đã đạt  được, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Đồng thời, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cũng đang đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của bối cảnh mới. Đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường về việc phát triển theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, yêu cầu đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường như đã nêu tại Nghị quyết 12 ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Việc nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của hệ thống khu vực doanh nghiệp Nhà nước cho phát triển kinh tế-xã hội lâu nay đã được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sát sao.

Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là chế độ an sinh xã hội ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. doanh nghiệp Nhà nước còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.

Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số hạn chế.

Một là, các doanh nghiệp Nhà nước đang chậm chuyển mình trong xu hướng mới, thời đại mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Trên thực tế, một số doanh nghiệp Nhà nước đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) tham gia vào quá trình sản xuất, tuy nhiên hầu hết các TĐKT, TCT nhà nước khác vẫn thực hiện gần như toàn bộ các khâu của quá trình liên kết sản xuất kinh doanh, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ.

Hai là, doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng) hoặc có rào cản gia nhập ngành tự nhiên; mà chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo.

Ba là, hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt là việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số.

Bốn là, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế. Các doanh nghiệp Nhà nước mới chỉ chiếm lĩnh được 1 phần thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế. Thực tế là, các doanh nghiệp Nhà nước chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Trong các Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp “chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo”, đồng thời nêu ra quan điểm chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Bên cạnh đó, phương thức quản lý đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần được chú trọng theo hướng: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm….

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước, tôi đánh giá cao Báo Đầu tư đã tổ chức buổi tọa đàm này. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đề nghị tập trung xác định các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất,  cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Đây cũng là những bàn luận cần thiết phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Xác định doanh nghiệp Nhà nước ở đâu trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để từ đó đặt ra những sứ mệnh quan trọng cho doanh nghiệp Nhà nước và bố trí nguồn lực để doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt vai trò, vị trí này trong nền kinh tế.

Thứ hai, cần đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp nào nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với việc quản lý 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỷ đồng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban cần thực hiện vai trò của người nhạc trưởng trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ ba, đánh giá về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”

Thứ tư, xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn tới và phát triển các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm “Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá”.

Do đó, doanh nghiệp Nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn.

Trọng Hiếu

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên