MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng đô thị thông minh sẽ đến với những vùng lũ lụt, giúp người dân tái thiết cuộc sống nhanh hơn

Ngày 22/10, Hội nghị cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020 đã diễn ra tai Hà Nội do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì với chủ đề "Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh".

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Bùi Thế Duy cho biết, sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ số đã đem lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn, trong tất cả các lĩnh vực đời sống, học tập và làm việc.

Cụ thể, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, năm 2020, khi tất cả các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19 thì tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các hãng viễn thông đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc phòng chống dịch bệnh, cũng như giúp người dân cuộc sống bình thường trong cả giai đoạn giãn cách xã hội lẫn giai đoạn "bình thường mới".

"Có thể nói, sau rất nhiều năm chúng ta nỗ lực để triển khai công nghệ số, học trực tuyến, họp trực tuyến đã gặp vô vàn khó khăn. Song, chỉ trong vòng 2 tháng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ học sinh, sinh viên trên toàn quốc đều triển khai học trực tuyến. Điều này thể hiện sự phát triển rất rõ rệt của hoạt động viễn thông, cũng như việc ứng dụng nền tảng số ở Việt Nam", Thứ trưởng Duy nhận định.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, không chỉ riêng các đô thị mà ngay cả ở những vùng nông thôn cũng đã phát triển rất nhanh công nghệ số. "Mặc dù còn rất nhiều vùng khó khăn, nhưng chúng ta đã có thể phủ sóng 4G trên toàn quốc, có thể nhìn thấy hình ảnh các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa học trực tuyến mà không bị gián đoạn".

Liên quan đến mục tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Duy nhận định quá trình này hướng đến một mục tiêu rất rõ ràng: mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân từ những nhu cầu đơn giản nhất cho đến những nhu cầu cao hơn bằng cách phát triển công nghệ số mạnh mẽ hơn.

Hỗ trợ miền Trung thông qua hệ thống thông tin "nhân đạo điện tử"

Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong 2 tuần vừa qua, các tỉnh miền Trung đang trải qua giai đoạn rất khó khăn. Sau khi vừa qua đợt dịch Covid-19 thì lại đối mặt với lũ lụt. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều gia đình đang phải di tản. Trong tình hình như vậy, công nghệ thông tin cũng đang đóng góp một phần vào những công việc liên quan đến cứu trợ.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong phân hệ "nhân đạo điện tử" từ đề án tài chính và số hóa của Chính phủ, nhiều hộ gia đình đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt sẽ được đưa vào danh sách. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ và các tỉnh sẽ đưa lên từng địa chỉ và nhu cầu của họ, giúp công tác cứu trợ thuận tiện hơn.

"Những gia đình này không chỉ cần sự hỗ trợ của ngày hôm nay, mà còn về lâu dài. Bởi họ đã mất mát rất nhiều. Do vậy, trong suốt những năm tới, họ vẫn sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ từ cộng đồng", Thứ trưởng Duy chia sẻ.

Thứ trưởng cũng bày tỏ niềm hy vọng, khái niệm đô thị thông minh sẽ đến với những vùng lũ lụt, thông qua nền tảng số sẽ đưa được những thông tin đến những nhà hảo tâm, giúp người dân miền Trung có thể tái thiết cuộc sống. "Những gia đình nào cần quần áo, cần sách vở, rồi kể cả cần xây lại nhà, thì chúng tôi đều hy vọng nền tảng số sẽ giúp đỡ họ".

Cuối cùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đưa ra ví dụ về tập đoàn Microsoft. "Trong giai đoạn đại dịch, Microsoft đã đưa công nghệ số đến với người dân một cách rất bình dị".

Cụ thể, Microsoft đã cung cấp tài khoản miễn phí cho hệ thống teleconference (hội nghị trực tuyến), giúp học sinh sinh viên các trường có thể dễ dàng học trực tuyến. Tại Việt Nam, các tập đoàn công nghệ như Viettel, VNPT cũng đã triển khai nền tảng teleconference với mục đích tương tự.

Bên cạnh đó, vừa qua, trong đề án nhân đạo điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ máy tính bảng, điện thoại di động cũ cho học sinh vùng sâu vùng xa để tiếp cận được với công nghệ số. Thứ trưởng Bùi Thế Duy kết luận, trong thời gian tới, hy vọng các tập đoàn, doanh nghiệp cũng sẽ chung tay thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam để có thể triển khai đô thị thông minh, không chỉ ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng mà còn trên cả nước.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên