Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh sẽ khoán xe ô tô công thế nào?
Các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư, chủ tịch tỉnh, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn nhà nước...) sẽ khoán kinh phí bắt buộc cho công đoạn đi từ nhà tới cơ quan, khi đi công tác được bố trí xe công dùng chung.
- 15-06-2017Nghệ An: 12 xe công được thanh lý từ 6 đến 153 triệu đồng
- 12-05-2017Bộ ngành nào sở hữu nhiều xe công nhất?
- 03-04-2017Đến 2020: Giảm 30%-50% số xe công phục vụ công tác chung
- 29-03-2017Tới lượt Văn phòng Chính phủ tính toán khoán kinh phí xe công
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội thông qua).
Sẽ giảm một nửa số xe công
Theo Dự thảo Nghị định trên, với xe phục vụ chức danh, dự thảo vẫn tiếp tục giữ quy định hiện hành. Riêng với nhóm lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư, chủ tịch tỉnh, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn nhà nước...), thay vì được bố trí 1 xe riêng đưa đơn từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại, đi công tác, dự thảo đưa ra quy định khoán kinh phí bắt buộc cho công đoạn đi từ nhà tới cơ quan, chỉ khi đi công tác được bố trí xe công dùng chung để đi lại. Mỗi bộ được trang bị 3 xe phục vụ công tác chung cho các chức danh này.
Để thực hiện mục tiêu tới năm 2020 giảm 30-50% số xe ô tô công phục vụ công tác chung tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước (theo Chỉ thị 31 năm 2016 của Thủ tướng), Bộ Tài chính đưa ra dự thảo giảm mạnh số xe công phục vụ công tác chung tại các cục, vụ, sở, ngành, công ty nhà nước, ban quản lý dự án.
Theo đó, với các cục, vụ thuộc các bộ ngành trung ương, sẽ từ 2 xe mỗi cục và 1 xe mỗi vụ (bất kể số biên chế) như hiện nay, giảm còn 1 xe/cục hoặc vụ (có biên chế trên 50 người). Nếu cục, vụ có biên chế dưới 50 người, 2 đơn vị sẽ sử dụng chung 1 xe.
Đối với cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc Tổng cục, văn phòng được trang bị 2 xe/đơn vị. Thay vì 1 xe cho 2 đơn vị giảm còn 1 xe cho 3 đơn vị dùng chung (với đơn vị biên chế dưới 50 người); nếu đơn vị biên chế trên 50 người vẫn giữ mức 1 xe cho 2 đơn vị dùng chung. Với các cục địa phương thuộc Tổng cục, sẽ được trang bị 1 xe cho mỗi đơn vị.
Ở cấp địa phương, văn phòng tỉnh ủy giữ nguyên định mức 2 xe/đơn vị.
Riêng văn phòng HĐND, UBND nâng lên 4 xe/đơn vị (thay vì 2 xe/đơn vị hiện nay). Do những văn phòng này gồm các phó chủ tịch, và nhiều phòng ban khác nhau, các chức danh này đều có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công khi đi công tác, nên cần tăng số xe phục vụ chung.
Với các sở, ban, ngành giảm còn 1 xe/đơn vị (thay vì 2 xe/đơn vị như hiện nay). Trừ khu vực khó khăn, hải đảo được trang bị tối đa 2 xe/đơn vị.
Với văn phòng cấp quận/huyện được trang bị 1 xe/đơn vị, trừ trường hợp khu vực khó khăn, hải đảo được trang bị tối đa 2 xe/đơn vị (giảm nửa số xe so với hiện hành).
Riêng trường hợp sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có lãnh đạo hệ số phụ cấp 0,7 trở lên, thay vì trang bị riêng 1 xe, sẽ thực hiện khoán kinh phí đi lại hoặc thuê xe dịch vụ. Trừ khu vực khó khăn, hải đảo mới được trang bị 1 xe.
Với cấp Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước, hiện được trang bị tối đa 4 xe (2 xe phục vụ chức danh, 2 xe phục vụ công tác chung). Dự thảo đề xuất mức còn 3 xe/tập đoàn, tổng công ty. Với các công ty con thuộc tập đoàn, công ty thuộc các bộ ngành, địa phương cũng giảm còn 1 xe/công ty (thay vì 2 xe/công ty hiện nay).
Với các ban quản lý dự án, không dùng vốn nhà nước, vốn vay để mua sắm xe, với ban quản lý dự án kiêm nhiệm sẽ không được trang bị xe. Trừ trường hợp hiệp định vay vốn có điều khoản về trang bị xe.
Về xe chuyên dùng, quy định hiện hành giao lãnh đạo các bộ ngành, địa phương quy định tiêu chuẩn định mức. Dẫn tới số xe chuyên dùng tăng nhanh. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất, các bộ ngành, địa phương vẫn quyết định về xe chuyên dùng, như ở cấp bộ phải được Bộ Tài chính cho ý kiến, ở cấp địa phương phải có ý kiến của thường trực HĐND. Đồng thời, quyết định của các bộ ngành, địa phương phải gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi.
Sau khi thực hiện các biện pháp trên, số xe ô tô công dôi dư thực hiện điều chuyển tới đơn vị còn thiếu, thay thế xe cũ, hoặc bán đấu giá. Đội ngũ lái xe dôi dư do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sắp xếp.
Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung áp dụng cả với xe ô tô của doanh nghiệp, tổ chức khác biếu tặng cơ quan nhà nước. Xe biếu, tặng phải tuân theo đúng định mức.
Quy định hiện hành nhiều bất cập
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Quyết định 32/2015 của Thủ tướng quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong các tổ chức, đơn vị nhà nước (ô tô công) đã có những kết quả tốt, nhưng còn bộc lộ không ít phát sinh.
Tuy số xe công phục vụ chung đã giảm, nhưng xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Sau khi sắp xếp lại xe ô tô phục vụ công tác chung, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục chuyển xe dùng chung sang xe chuyên dùng. Do việc quy định hiện hành, quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng do các bộ, ngành, địa phương quyết định. Dẫn đến việc ban hành tiêu chuẩn, định mức chưa thống nhất và có xu hướng tăng số lượng xe chuyên dùng không hợp lý.
Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp. Như văn phòng UBND, HĐND tỉnh tương đương sở ngành (2 xe/đơn vị). Trong khi nhiều cục, trung tâm thuộc sở dù chỉ 1 chức danh được sử dụng xe công (hệ số phụ cấp 0,7), vẫn được trang bị 1 xe. Dẫn tới nơi thiếu, nơi thừa, chưa gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị.
Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên ít chức danh đăng ký áp dụng, định mức khoán chưa sát thực tế.
Nghị định này sẽ thay thế các quy định về trang bị, sử dụng ô tô công đang được quy định hiện hành ở cấp Quyết định 32/2015 của Thủ tướng. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 32/2015. Nhưng đó là thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sắp trình Quốc hội, và chưa biết được Quốc hội thông qua hay không.
Tiền Phong