MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Công Thương: Nhiều doanh nghiệp đang ở ranh giới của sự sống còn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới của sự sống còn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, có thể nhiều doanh nghiệp không giữ vững được sản xuất.

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô

Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 18/5, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thời gian qua, thị trường tiêu thụ ô tô sụt giảm mạnh 34% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Riêng các loại ô tô du lịch dưới 9 chỗ giảm tới 38. Lượng tồn kho ô tô của các doanh nghiệp cũng khá cao.

Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, doanh nghiệp tồn kho nhiều do sức mua yếu, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó, lãi suất tăng cao, tỷ giá và lạm phát… Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ sản phẩm ô tô.

Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với VAMA, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và các doanh nghiệp sản xuất ô tô… gửi kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị mà Bộ Công Thương nêu.

Thứ trưởng Công Thương: Nhiều doanh nghiệp đang ở ranh giới của sự sống còn - Ảnh 1.

Bộ Công Thương khẳng định ủng hộ giảm 50% lệ phí trước bạ và giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt năm 2023.

“Theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ Công Thương có quan điểm rất ủng hộ việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp Thuế Tiêu thụ đặc biệt đề xuất trong năm 2023. Bộ Công Thương sẽ bám sát và phối hợp Bộ Tài chính gỡ khó cho các doanh nghiệp thúc đẩy thị trường tiêu thụ ô tô” - ông Thành nói.

Về việc giảm phí trước bạ 50%, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ô tô, xe máy, cơ khí. Qua quá trình theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới của sự sống còn.

“Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền hay còn gọi là tiếp sức thì có thể nhiều doanh nghiệp không giữ vững được sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện giảm lệ phí trước bạ” - ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, có ý kiến cho rằng, hiện ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn về nguồn thu, nên việc giảm lệ phí trước bạ sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năm 2020 khi thực hiện giảm lệ phí trước bạ, sản xuất kinh doanh không những giữ vững mà còn phát triển. Theo báo cáo của Bộ Tài chính qua lần đầu tiên thực hiện giảm lệ phí trước bạ, nguồn thu ngân sách không giảm mà tăng gần 2.000 tỷ đồng Vì vậy, Bộ Công Thương có quan điểm ủng hộ việc áp dụng một số các biện pháp, trong đó có việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Giảm thuế VAT để hỗ trợ thị trường trong nước

Liên quan đến vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Công Thương - cho biết, thị trường trong nước đang là trụ đỡ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển nền kinh tế của đất nước trong thời gian qua.

Theo bà Hiền, 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam tăng 12,8%, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%. Theo đánh giá, hiện sức mua của thị trường trong nước đã tăng, nhưng mức tăng chưa cao, chúng ta vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu dân. Đây là lý do Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng giảm VAT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, khi giảm thuế VAT, sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ.

“Khi tiêu dùng trong nước phát triển, sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trong nước và tạo ra công ăn việc làm, cũng như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023”- bà Hiền nói.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên