Thành phố trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất Việt Nam
Thành phố trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất Việt Nam nằm tại khu vực Đông Nam Bộ.
- 16-05-20235 năm nữa, GDP Việt Nam được dự báo vượt Thụy Điển và một số nước châu Âu, tiến vào top 30 lớn nhất thế giới
- 15-05-2023Tỉnh duy nhất có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước
- 14-05-2023Vùng đông dân nhất cả nước
Cụ thể, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương hiện có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, khoảng 8.326 người/km2. Thành phố Dĩ An có diện tích tự nhiên 600ha với 7 phường, dân số hiện tại cán mốc trên 500 nghìn người.
Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với thành phố Thuận An, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Trên thực tế, Dĩ An có vị trí thuận lợi tại giao điểm các trục hành lang kinh tế quan trọng như: Hành lang kinh tế động lực Bắc – Nam (gắn với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam); hành lang kinh tế động lực Đông Tây kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Quốc lộ 22; đường vành đai qua Thành phố Hồ Chí Minh đến nhóm cảng hàng hóa đường thủy Hồ Chí Minh.
Ngày 27/3/2023, thành phố Dĩ An đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. Điều này trở thành động lực để thành phố Dĩ An đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, xứng đáng là đô thị vệ tinh của tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phát triển kinh tế, công nghiệp là ngành đóng góp phần lớn vào ngân sách hàng năm của thành phố Dĩ An. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố đạt 136 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng gần 52%, khu vực ngoài quốc doanh chiếm hơn 48,3%, khu vực quốc doanh chiếm 0,17%.
Tăng trưởng kinh tế của thành phố ổn định trên các lĩnh vực nên đảm bảo nguồn thu – chi ngân sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị trên địa bàn.
Năm 2022, năm đầu sau đại dịch Covid - 19, tổng thu – chi ngân sách của thành phố đạt 100% dự toán UBND tỉnh giao với số thu – chi lần lượt hơn 3.700 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng. Cùng với nhịp độ phát triển của kinh tế - xã hội của toàn thành phố, mức thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 so với bình quân cả nước đạt 1,66 lần. Dĩ An là một trong những địa phương có bình quân thu nhập đầu người cao trong tỉnh Bình Dương.
Công nghiệp là thế mạnh của thành phố Dĩ An, phần lớn các khu công nghiệp của Bình Dương tập trung tại đậy. Hiện nay, thành phố có các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như: Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Tân Bình, cụm công nghiệp may mặc Bình An.
Hiện nay, thành phố Dĩ An đang có những bước chuyển mạnh trong phát triển đô thị, hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, 100% các tuyến đường do thành phố quản lý được nhựa hóa.
Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật từng bước tương xứng với yêu cầu phát triển đô thị. Các công trình giáo dục, y tế và văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư với quy mô tương xứng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Để tạo sự phát triển bền vững, trong nhiều năm trở lại đây, thành phố Dĩ An đã đẩy mạnh các công trình, dự án quy mô lớn như: đường giao thông nối quốc lộ 1K với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và khu phức hợp Đông Hòa (5 ha), đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài, đường trục chính Đông - Tây, đường Bắc Nam 3, nâng cấp quốc lộ 1K, mở rộng đường ĐT743 (đoạn từ miễu Ông Cù đến nút giao cầu vượt Sóng Thần), đường Đông Bắc 2, đường Vành đai 3…
Theo định hướng phát triển, đến năm 2030, thành phố Dĩ An sẽ là đô thị công nghiệp - dịch vụ - giáo dục, đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt và một phần đường thủy của khu vực Nam Bình Dương và phía Đông TP. Hồ Chí Minh.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Dĩ An những tháng đầu năm 2023 có bước phát triển ổn định và toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho chỉnh trang đô thị, quỹ đất bố trí cho các dự án tái định cư còn hạn chế; thiếu vốn để chi trả cho việc đền bù giải tỏa, triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh…
Nhịp sống kinh tế