Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói về dự luật còn tranh cãi
Sau nhiều lần bàn thảo, đến nay dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
- 11-04-201796,5% DNNN được cổ phần hóa nhưng mới chỉ 8% tổng số vốn được cổ phần hóa
- 06-04-2017Khó giải ngân quỹ nghìn tỷ phát triển DNNVV
Theo kế hoạch, ngay sau khi khai mạc phiên họp thường vụ Quốc hội sáng nay 17-4, các đại biểu sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần hai) dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Cuối tuần trước, hai hội thảo về dự luật này đã được tổ chức và tại đây, đại diện nhiều hiệp hội bày tỏ lo ngại về việc dự luật trao nhiều trách nhiệm cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam, có thể dẫn tới nguy cơ “vô hiệu hóa” hoạt động của các hiệp hội và hình thành cơ chế xin-cho...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 16-4, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông (ảnh) nói: “Những ý kiến trong hai hội thảo vừa qua không mới đối với ban soạn thảo. Tất cả ý kiến đã được xem xét, giải trình rất đầy đủ và rõ ràng kể cả ở nghị trường Quốc hội”.
“Người ta đang muốn một cái khác”
. Phóng viên: Nhưng ông nhận định thế nào về các ý kiến chưa đồng thuận đó?
+ Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Chúng tôi có cảm tưởng các ý kiến đó đang nói chúng tôi có lỗi vì làm một dự luật trong bóng tối, cộng đồng DN không được tham gia, không có ý kiến. Không đúng! Các hiệp hội DN, VCCI đều được lấy ý kiến.
Tại sao các ý kiến trái chiều lại đưa ra vào thời điểm này? Tôi cho rằng người ta đang muốn một cái khác. Người ta không muốn có người khác tham gia vào vị thế độc tôn.
. Tôi có tham dự hội thảo và thấy nhiều ý kiến cho rằng dự luật rất chung chung, rỗng...
+ Đây không phải vấn đề lần đầu tiên được đặt ra. Chúng tôi đã tranh luận rất gay gắt là xây dựng luật khung hay luật chi tiết. Các ĐBQH cũng từng nêu ra vấn đề này. Nhưng qua thảo luận, tất cả đều đồng thuận là xây dựng luật khung, mang tính nguyên tắc, nhằm mục tiêu lâu dài.
Một số ý kiến hiểu nhầm rằng hỗ trợ là phải đưa cho DNNVV cái gì đó. Luật này chúng tôi phải tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ những thứ DN không làm được. Nhưng chúng tôi không thể viết cụ thể tất cả trong luật này được, mà sẽ quy định Chính phủ phải ban hành những nghị định, thông tư để hướng dẫn.
Luật tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân có thể hỗ trợ DNNVV chứ không chỉ lấy ngân sách từ Nhà nước. Rất nhiều người không hiểu điều này. Chính phủ không nhất thiết phải bỏ ra bao nhiêu tiền.
Không thể gọi đây là luật chung chung mà là có tính toán rất cụ thể và khoa học.
. Có ý kiến cho rằng hệ thống hỗ trợ DNNVV đã có, đang hoạt động (Nghị định 56/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV). Vậy Luật DNNVV có tạo ra khác biệt gì không?
+ Chúng tôi đã phân tích, đánh giá việc thực thi Nghị định 56/2009 và thấy rằng có nhiều việc chưa thực hiện được hoặc chưa đi vào cuộc sống vì nó chỉ là nghị định chứ không phải là luật. Cần phải làm tốt hơn dựa trên nền tảng luật.
Nếu nói rằng hệ thống đang có đã hoạt động và không cần luật là một nhận định hồ đồ, không có căn cứ.
“Có người cho rằng hội của họ mới là độc tôn”
. Tại hai hội thảo vừa qua, nhiều hiệp hội quan ngại rằng dự thảo luật trao quá nhiều quyền cho Hiệp hội DNNVV, điều này có thể xảy ra xin-cho?
+ Tôi đánh giá cao quan sát này của anh. Có người tự cho rằng hội của họ mới là độc tôn và các hiệp hội khác chỉ là con, cháu - dĩ nhiên là phát biểu không chính thống. Tôi cho rằng đó là nguyên nhân sâu xa.
Có nhiều ý kiến phản bác việc đưa Hiệp hội DNNVV vào dự luật. Nhưng đây là một sự tính toán, cân nhắc rất kỹ của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng và ban soạn thảo.
Các nước đều có luật hỗ trợ DNNVV và hiệp hội DNNVV. Dĩ nhiên, có cả các hiệp hội ngành, nghề và VCCI. Chúng tôi đưa ra một số nhiệm vụ cho Hiệp hội DNNVV. Thế ở đây xin cho chỗ nào? Họ cho cái gì và ai xin? Đọc kỹ thì không thấy điều nào quy định như thế cả.
. Tôi đã đọc các dự thảo và thấy có điều khoản quy định cho Hiệp hội DNNVV được cấp chứng chỉ, chứng nhận, cung cấp các dịch vụ đào tạo… thưa ông?
+ Chuyện đó quá bình thường, các nước đều làm như thế. Ai nêu ra vấn đề này phải chăng họ cho rằng chỉ có họ mới là độc tôn cung cấp các dịch vụ đó cho DNNVV? Nếu nói rằng cung cấp các dịch vụ đào tạo, chứng chỉ, chứng nhận… là xin cho thì có thể chính họ đang làm như thế.
Mà anh để ý, dù có đề ra quy định như vậy thì cũng đã nói rõ: Những nhiệm vụ trên phải theo quy định của pháp luật cơ mà.
. Nhưng cũng có thể là có nguy cơ đó, thưa ông?
+ Hiện nay, nhiều dịch vụ công chuyển sang cho xã hội làm chứ không phải Nhà nước. Tổ chức nào làm tốt thì Nhà nước giao cho họ làm chứ Nhà nước không phình ra. Đây là quan niệm mới. Cung cấp dịch vụ công phải có cạnh tranh. Nếu anh cung cấp không tốt thì DN sẽ không cần.
Chẳng hạn chuyện vay vốn ngân hàng. Ở ta, ngân hàng để ý đến chuyện uy tín và quá trình hoạt động của DN. DNNVV rất nhiều, cán bộ ngân hàng không theo dõi được hết. Vậy cho DNNVV vay là có rủi ro. Ở Nhật Bản thì thông qua hiệp hội đứng ra bảo lãnh cho thành viên là DNNVV đi vay để giảm thiểu rủi ro.
Ở Việt Nam, Quỹ hỗ trợ DNNVV cũng đang đặt ra những vấn đề này. Chúng tôi hướng tới hiệp hội không phải do Nhà nước đặt ra, mà hướng tới hiệp hội của DN, sống bằng phí của các thành viên. Khi đó, các DN trong chuỗi có thể giúp đỡ nhau, có thể bảo lãnh cho nhau. Chúng tôi đang hướng tới hiệp hội như thế và hiệp hội DNNVV phải hướng tới thành viên của mình.
. Xin cám ơn ông.
Tôi thấy quá nực cười!
. Phóng viên: Tôi muốn trao đổi thẳng thắn về việc có ý kiến cho rằng dự luật này, cùng với Điều 30 của dự luật là để chuẩn bị cho ông khi về hưu sẽ sang làm phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Liệu có đúng thế không?
+ Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tôi thấy quá nực cười. Ý kiến này không có căn cứ. Tại sao tôi phải tham gia vào cái “chân” phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam làm gì nếu tôi không thấy có nhu cầu của xã hội. Hiệp hội không phải là do Nhà nước đặt ra. Các chức vụ phải do thành viên hiệp hội bầu lên và ai xứng đáng thì mới được bầu.
Tôi có vô vàn việc để làm. Tôi thấy ý kiến đó nếu có thì rất xúc phạm đến tôi, coi thường tôi quá. Tôi có nghe về việc ai đó “lobby” nhưng việc nói về tôi như thế là xúc phạm và tôi phẫn nộ. Tôi muốn đối thoại trực tiếp với những người có ý kiến đó.
Chúng ta làm luật là để tính tương lai lâu dài cho đất nước chứ không phải làm luật vì một cá nhân nào đó. Luật này phải hướng đến lợi ích chung cho đất nước.
Tôi có thể ngẩng cao đầu lên trời xanh và nói rằng: Tôi chưa bao giờ có ý định ấy!
Pháp luật TPHCM