MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Có nhiều 'đại bàng' cũng không quên 'chim sẻ'

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

Trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con "đại bàng", cũng sẽ có những con "chim sẻ". Chúng ta muốn có nhiều "đại bàng" để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con "chim sẻ””, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Ngày 29/1, bên hành lang Đại hội XIII của Đảng, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện phát triển nông nghiệp.

Để doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp phải tích tụ ruộng đất. Vậy cơ chế nào khuyến khích doanh nghiệp tham gia để tạo hạ tầng cho sản xuất lớn, thưa ông?

Có 2 mô hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình đầu tiên doanh nghiệp muốn diện tích đất lớn 1.000 ha thậm chí vài ngàn ha để tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định để họ đầu tư nhà máy chế biến. Ngược lại có mô hình không cần diện tích đất lớn mà tạo ra sự liên kết vùng nguyên liệu xung quanh.

Mỗi cách làm đều có hướng đi khác nhau và dù hướng đi nào chúng ta đều phải nghĩ tới câu chuyện những người nông dân đang canh tác trên mảnh đất đó.

Bên cạnh đó, bài toán việc làm của người nông dân như thế nào cần đươc đặt ra. Nếu nông dân để cho doanh nghiệp tích tụ diện tích đất lớn để sản xuất quy mô, trong khi lại ra ngoài tìm việc làm là không ổn.

Tôi hay trao đổi với các địa phương khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chúng ta cần khuyến cáo doanh nghiệp phải tạo ra chuỗi ngành hàng vì trong chuỗi ngành hàng đó tạo ra rất nhiều việc làm, vừa thu hút tri thức trẻ tham gia chuỗi ngành hàng đó, đồng thời đưa những người nông dân ngày xưa canh tác trên mảnh của mình.

Người nông dân đã cho doanh nghiệp thuê đất rồi, hoặc chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp rồi, nay  căn cứ vào sức khỏe và các điều kiện khác sẽ có những ngành nghề  tương thích để người nông dân làm. Nhà nước và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ để người nông dân chuyển đổi nghề nghiệp. Tôi nghĩ rằng câu chuyện doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như vậy mới tạo ra sự phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, tôi hay nói rằng đừng để xảy ra những vấn đề về mặt xã hội nông thôn. Chúng ta cần  bình tĩnh, cần ngồi lại để phân tích đối với từng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngày trước chúng ta tính tăng trưởng bao nhiêu phần trăm GDP nhưng đối với tư duy mới, kèm theo tăng trưởng phải tạo ra được bao nhiêu viêc làm cho xã hội, điều đó mới là quan trọng.

Có thể nói đây là vấn đề cần ngồi và phân tích, làm sao để vừa đạt được vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp nhưng không để người nông dân bị bỏ rơi trong tiến trình đó.

Ông đánh giá như thế nào về các hoạt động của doanh nghiệp đã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua?

Nói chung đã có được bước đột phá trong nhiệm kỳ vừa rồi đối với việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Riêng tôi mong muốn tất cả những nhà đầu tư doanh nghiệp đó phải trở thành hệ sinh thái để đi cùng nhau chứ không nên đi một mình.

Có thể doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp từ cây ăn trái, cá tra, cà phê, điều…nhưng vấn đề là họ phải hợp tác với nhau, đừng chia rẽ, cạnh tranh với nhau. Điều quan trọng hãy nghĩ đến quyền lợi của người nông dân, hãy nghĩ tới nền nông nghiệp của đất nước trước khi nghĩ tới lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chúng ta cùng nhau tạo ra một khát vọng chung cho đất nước, sẽ lan tỏa, tạo thương hiệu cho từng doanh nghiệp. Chúng ta hợp lực của các “chim sẻ” lại, sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Vậy ông đánh giá như thế nào về việc thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và họ rất hứng thú đầu tư vào lĩnh vực này?

Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đâu đó, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và người ta muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải là với mục đích chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình, mà tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra được thế để đưa nông sản nước ta ra nước ngoài cũng như chế biến nông sản ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bởi cơ cấu lại nông nghiệp phải có người dẫn dắt, đó chính là doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con "đại bàng", cũng sẽ có những con "chim sẻ". Chúng ta muốn có nhiều "đại bàng" để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con "chim sẻ" - đó là những hợp tác xã, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng chúng ta hợp lực của các "chim sẻ" lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Cùng với đó, các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, khi họ khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử... sẽ có tác động lan tỏa ở cộng đồng không kém gì các con "đại bàng".

Nếu chúng ta chỉ đơn thuần canh tác, tạo ra sản lượng thì đâu cần công nghệ thông tin, đâu cần công nghệ sinh học, công nghiệp thực phẩm... Nếu chúng ta chuyển động tất cả những yếu tố như đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về sẽ thu hút được trí thức trẻ về chính nơi các em, các cháu sinh ra. Có như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải "ca cẩm" chuyện thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng đi tới các khu công nghiệp ở Bình Dương, đi Đồng Nai, đi Hải Dương...

Trào lưu đó, sự chuyển dịch đó nước nào cũng có. Vậy chúng ta phải có chính sách như thế nào để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương thì các cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ. Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương thì các nhà đầu tư đến họ sẽ có hệ sinh thái ở xung quanh, sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết.

Tôi nhấn mạnh rằng, khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để  kéo các "đại bàng" về hoạt động. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị cho người nông dân.

Cảm ơn ông!


Theo LUÂN DŨNG

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên