Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thúc giục Uỷ ban Chứng khoán chỉ đạo HOSE nhanh đưa hệ thống mới vào hoạt động
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, nhiều kỷ lục của chứng khoán năm 2021 đạt được mà trước đây không nhiều người dám nghĩ tới
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vào chiều ngày 30/12.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng năm 2021, với vai trò là cơ quan quản lý, điều phối của thị trường chứng khoán, UBCKNN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao khi duy trì hoạt động ổn định, an toàn cho thị trường; đồng thời, trong năm Ủy ban đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Theo đó, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng khi: Chỉ số liên tục lập đỉnh mới; thanh khoản tăng vượt mong đợi và dự đoán; huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng tăng tốt; số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng kỷ lục – điều mà trước đấy không nhiều người dám nghĩ tới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, so với nhiều lĩnh vực khác, thị trường chứng khoán là một thị trường đặc biệt, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải ưu tiên hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định, an toàn và công khai, minh bạch. Do vậy, trong bối cảnh mới của thị trường, UBCKNN và các đơn vị liên quan cần có tư duy mới để thích ứng, phải chủ động hơn nữa, chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, lấy hiệu quả là thước đo, để đón nhận tốt các cơ hội, nhằm quản lý, tổ chức vận hành thị trường chứng khoán ngày càng tốt hơn.
Thứ trưởng nhấn mạnh trong năm qua UBCKNN đã thể hiện được vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động thị trường, đã chủ động đề xuất, báo cáo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những giải pháp giúp giữ thị trường hoạt động ổn định, bền vững.
Thứ trưởng đề nghị UBCKNN cần quan tâm nhiều hơn nữa việc huy động và tổ chức các nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực, để các cơ quan quản lý và các đơn vị tổ chức vận hành phát huy tốt nhất vai trò, vị thế, từ đó hỗ trợ thị trường phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Về thể chế, Thứ trưởng chỉ đạo, UBCKNN luôn phải chủ động rà soát để nắm bắt được những bất cập, những quy định chưa sát với thực tiễn và báo cáo Bộ để xem xét và quyết định sửa đổi, bổ sung các văn pháp pháp lý vào thời điểm phù hợp.
Đối với công tác giám sát, kiểm tra, Thứ trưởng yêu cầu UBCKNN cần xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể để tăng cường công tác này theo hướng tăng diện và tăng chất. Cần tăng nguồn lực, năng lực nhân sự, cũng như ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo,… để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cũng cần tăng chất lượng hoạt động kiểm toán trên thị trường để tăng chất lượng báo cáo tài chính – đây là giải pháp tăng chất lượng hàng hóa một cách gián tiếp nhưng hữu hiệu trên thị trường.
Về các nhiệm vụ và giải pháp UBCKNN đề ra trong năm 2022, Thứ trưởng đề nghị UBCKNN tập trung, nỗ lực hơn nữa để tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tổ chức đẩy mạnh thực hiện phổ biến Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn luật được ban hành đến rộng rãi công chúng đầu tư, tăng cường công tác đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư. Đây là nhiệm vụ tiên quyết trong việc thực hiện hiệu quả Luật Chứng khoán năm 2019, vừa là giải pháp trung và dài hạn để phát triển thị trường chứng khoán bền vững, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường.
Thứ hai, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển Thị trường Chứng khoán – thị trường vốn về dài hạn.
Thứ ba, chỉ đạo HOSE và các đơn vị thụ hưởng sớm hoàn thành đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Thứ tư, tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là trong hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán.