MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Thị trường viễn thông đang ở thời điểm khó thu hút thuê bao mới

Thị trường viễn thông Việt Nam đang khó thu hút, phát triển thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần ngày càng khốc liệt, đặc biệt là cạnh tranh về giá cước dưới nhiều hình thức như cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về quản lý cạnh tranh và quản lý giá cước do Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thị trường viễn thông Việt Nam trong 10 năm gần đây đã phát triển với tốc độ rất nhanh và được mở cửa hoàn toàn. Toàn thị trường có 70 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động, trong đó có 37 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng, 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Tính tới hết tháng 6/2017, mật độ thuê bao di động đạt 124 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao băng rộng di động là 50 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao băng rộng cố định là 11 thuê bao/100 hộ gia đình.

Trong một thập kỷ qua, chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được cải thiện, giá cước viễn thông tại Việt Nam liên tục giảm nhưng doanh thu vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông năm 2016 tăng 7,5% so với năm 2015.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam đang ở vào thời điểm khó thu hút, phát triển thêm thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần ngày càng khốc liệt, đặc biệt là cạnh tranh về giá cước dưới nhiều hình thức khác nhau như cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục.

“Nếu cách thức cạnh tranh đó tiếp diễn thì các doanh nghiệp sẽ dần đi tới phá sản, thị trường đổ vỡ, gây tác động không nhỏ tới hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội khác. Để phát triển bền vững, duy trì cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp viễn thông cần thay đổi cách thức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và tư duy phát triển để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong phát triển và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến vì sự phát triển chung của ngành, các doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.


Ông Ashish Narayan, đại diện ITU Châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Hương Giang

Ông Ashish Narayan, đại diện ITU Châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Hương Giang

Theo ông Ashish Narayan, đại diện ITU Châu Á – Thái Bình Dương, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay không còn chỉ là câu chuyện về giá mà còn nhiều vấn đề khác nhau. Đó là năng lực đường truyền, sự sáng tạo dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm thu hút khách hàng…

Đây là những kinh nghiệm được nhiều doanh nghiệp tại Châu Âu, Hàn Quốc… áp dụng để cạnh tranh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phía cơ quan quản lý nhà nước cần điều chỉnh quy định và cơ chế quản lý để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường.

Bà Cory Brader Leuchten, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chia sẻ: Trong vấn đề cạnh tranh, yếu tố chống độc quyền phải được đặt lên hàng đầu nhằm tạo ra sự phát triển lành mạnh cho thị trường, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Tại Mỹ, Luật Chống độc quyền cùng với Luật Cạnh tranh luôn được cập nhật để bổ sung thêm các điều khoản để theo kịp sự phát triển. Để khi có các vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng vào cuộc để làm rõ vấn đề.

Theo Nguyên Đức

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên