MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thư từ Đức: Chung tay vượt qua "cơn bão" lạm phát

24-04-2022 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Thư từ Đức: Chung tay vượt qua "cơn bão" lạm phát

Ngoài tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng tác động rõ rệt đến tốc độ tăng giá ở Đức, đặc biệt đối với dầu sưởi, nhiên liệu động cơ, khí đốt thiên nhiên, cũng như một số thực phẩm thiết yếu.

Theo báo cáo mới của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), giá năng lượng gia dụng và nhiên liệu động cơ trong tháng 3-2022 đã tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá khí thiên nhiên và điện cũng tăng mạnh với 144,9%. Giá xăng E10 và dầu diesel tăng lên hơn 2 euro/lít.

Người dân Đức hơn một tháng qua cũng phải chứng kiến giá thực phẩm tăng chóng mặt. Các loại dầu ăn trở nên khan hiếm, nhiều siêu thị liên tiếp trong nhiều ngày không có chai dầu hướng dương hay dầu hạt cải nào trên kệ. Nếu có, số lượng cũng giới hạn.

Mỗi khách hàng chỉ được phép mua 1 chai dầu ăn với giá tăng hơn 30%. Giá rau xanh cũng tăng hơn 14%. Thật là một bài toán khó cho người nội trợ khi giá thực phẩm leo thang từng ngày.

Thư từ Đức: Chung tay vượt qua cơn bão lạm phát - Ảnh 1.

Một sạp rau tại Giessen - Đức

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck gần đây kêu gọi người dân Đức nên bắt đầu tiết kiệm năng lượng để bớt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu từ Nga.

Ông cho biết Đức sẽ ít phụ thuộc năng lượng vào Nga hơn nếu người dân giảm mức tiêu thụ năng lượng trong gia đình (lò sưởi, điện, gas...); hạn chế di chuyển bằng ôtô riêng; tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chuyển sang đi xe đạp...

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, người sử dụng lao động cũng có thể cho phép nhân viên làm việc tại nhà trên tinh thần tự nguyện.

Chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên kế hoạch giảm nhập khẩu khí đốt Nga, đồng thời tích cực tìm đối tác cung cấp nguồn năng lượng thay thế, như làm việc với Qatar và Na Uy về nguồn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ngoài ra, chính phủ Đức cũng dự định tung ra các gói hỗ trợ thiết thực để giúp người dân vượt qua cuộc khủng hoảng về giá hiện nay. Đáng chú ý là kế hoạch tung ra thẻ đi lại trị giá 9 euro/tháng, cho phép người sử dụng đi khắp nước bằng xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm và tàu địa phương trong mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay).

Mục đích của động thái này là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, lương hưu được tăng 6% - mức tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Người dân có đóng thuế thu nhập sẽ được nhận tiền hỗ trợ về nhiên liệu trong năm. Chính phủ Đức cũng đồng ý tạm giảm thuế nhiên liệu trong 3 tháng trong lúc người dân có đóng thuế thu nhập sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ 300 euro trong năm…

Sự chung tay của người dân và chính phủ Đức lúc này là vô cùng cần thiết để cứu vãn nền kinh tế đang có mức lạm phát kỷ lục.

Theo Trần Thủy (từ Giessen - Đức)

Người lao động

Trở lên trên