Thư từ nước Mỹ: Dự luật cứu trợ "người ngoài hành tinh" và khoản nợ gần 1.000 tỷ đô la "từ trên trời rơi xuống"
Như cách nói của ông Trump thì hy vọng chúng ta không tìm thấy sự sống trên các hành tinh khác vào lúc này bởi nếu có thì Quốc hội Mỹ sẽ ngay lập tức gửi tiền cứu trợ cho họ…
- 09-01-2021Nhờ những yếu tố này ngành bán lẻ ở Trung Quốc vẫn sống khỏe dù các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang khốn đốn vì COVID-19
- 08-01-2021Từng là "cái nôi" sản sinh hàng loạt tỷ phú, ngành mỹ phẩm Hàn Quốc điêu đứng vì Covid-19
- 08-01-2021Bất chấp đại dịch Covid-19, Samsung báo lãi 26% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước
- 07-01-2021Warren Buffett "bỏ túi" 50 tỷ USD nhờ cổ phiếu Apple năm 2020
- 06-01-2021Cuộc họp cổ đông tiết lộ nỗi sợ lớn nhất của Apple hiện nay
Sau nhiều nỗ lực trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật cứu trợ bổ sung 900 tỷ đô la nhằm trợ cấp tiền mặt (600$) cho người thất nghiệp, thất nghiệp kéo dài (300$), và cung cấp các khoản vay kinh doanh nhỏ. Đối tượng thụ hưởng là người lao động bị mất việc và các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do chính sách chống dịch của chính phủ.
Nhưng gượm đã, phần lớn nội dung của gói cứu trợ lại không liên quan gì đến đại dịch. Và khoản trợ cấp trị giá 600 đô la cho một lao động thất nghiệp thực sự không thấm tháp vào đâu.
Gói cứu trợ này lấy từ nguồn vốn vay bổ sung (của chính phủ Trung Quốc) và tiền in mới, việc này sẽ kéo theo lạm phát. Như vậy là khoản nợ công của nước Mỹ đã tăng lên 28,5 nghìn tỷ đô la – một con số với 11 số không: 28.500.000.000.000 đô la.
Tổng thống Donald Trump đã từ chối đặt bút ký vào Dự luật cứu trợ này, cố gắng trì hoãn thêm một vài ngày nữa: Ông muốn tăng giá trị tấm séc lên thành 2.000 đô la cho người thất nghiệp và các doanh nghiệp đang chật vật trong đại dịch, đồng thời không thoả hiệp với các khoản chi không liên quan đến Covid. Quốc hội đã gộp gói cứu trợ và dự luật chi (Dự luật chi tiêu tổng hợp Omnibus) nhằm tránh đóng cửa chính phủ.
Tuần trước, ông Trump đã xuống nước nhượng bộ Quốc hội và đặt bút ký Dự luật cứu trợ. Tuy nhiên, ông vẫn không ngừng chỉ trích nội dung dự luật và yêu cầu Quốc hội điều chỉnh. Sau đó, Hạ viện đã thông qua một dự luật mới với khoản trợ cấp thất nghiệp $2.000, nhưng vẫn để nguyên các mục chi tiêu không liên quan đến Covid. Thượng viện cũng muốn thông qua Dự luật này, nhưng Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell đã chặn lại. Vì vậy, không có Dự luật mới! Những tấm séc cứu trợ 600$ vẫn được thực hiện như kế hoạch ban đầu.
Quốc hội – bao gồm cả các nghị sỹ thành viên và nhóm chóp bu của cả hai đảng đều đồng ý thông qua khoản cứu trợ mang tính hình thức này – một động thái bị nhiều người coi là việc đáng hổ thẹn.
Nhiều người dân Mỹ cảm thấy thất vọng và bị xúc phạm khi khoản cứu trợ bị chính trị hoá. Dù có nhiều người Mỹ không ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết", nhưng chắc chắn một điều là họ cũng không ủng hộ việc người Mỹ bị xếp cuối cùng.
Những người lao động có nộp thuế và các doanh nghiệp Mỹ, mỗi người đều đang phải gánh một khoản nợ 220.000 đô la (mà họ không thể trả), đồng thời phải hứng chịu những thứ họ không mong đợi. Giờ là lúc họ cần đến sự trợ giúp của chính phủ. Trong khi đó, nước Mỹ đang còng lưng với khoản nợ tương đương 130% GDP. Trong trường hợp Quốc hội chất thêm cả nghìn tỷ đô la vào đống nợ quốc gia đang có sẵn thì lẽ ra khoản tiền đó phải được dành cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Và Quốc hội thì đang gói những món quà Giáng sinh gửi đi muôn nơi – họ cho rằng việc này quan trọng hơn là lo nghĩ đến những người lao động không có công ăn việc làm và những doanh nghiệp đang chật vật.
Có thể một số chương trình mà phe Dân chủ đề xuất trong gói cứu trợ là những chương trình tốt, tuy nhiên chúng không có gì liên quan đến nội dung cứu trợ đại dịch. Đây mới chỉ là "phần nổi của tảng băng" trong dự luật dài 5.500 trang. Hầu hết là những đề xuất của phe Dân chủ tuy nhiên cũng có một phần là của phe Cộng hoà.
Ai cũng biết Quốc hội luôn đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Dự luật này cũng không phải ngoại lệ khi bao gồm đề xuất thiết lập "Hội đồng Tư vấn về An ninh Khí hậu". Hãy nhớ rằng Mỹ đã có Đặc phái viên về Khí hậu và ba văn phòng nội các bao gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Năng lượng; cùng với hàng chục cơ quan khác liên quan đến khí hậu. Cứ đà này thì có đến bao nhiêu cơ quan phụ trách cũng vẫn sẽ là không đủ.
Dự luật cũng bao gồm khoản kinh phí bổ sung cho Thượng viện để thành lập một Nhà trẻ miễn phí cho con cái của các Thượng nghị sỹ. Ủy ban Tình báo Quốc hội được bổ sung kinh phí để tuyển thêm nhân sự nữ và người thiểu số nhằm đảm bảo tính đa dạng tổ chức. Ủy ban Ngân sách của Quốc hội cũng được cấp khoản kinh phí 1,5 triệu đô la cho "Văn phòng Đa dạng và Hòa nhập". Thêm vào đó là khoản ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu về các cuộc bạo loạn sắc tộc năm 1908 (!) Bản thân tôi còn không có ý niệm gì về việc cuộc bạo loạn sắc tộc cách đây 112 năm.
Dự luật này còn bao gồm khoản kinh phí để thành lập thêm hai bảo tàng quốc gia Smithsonian: Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Người Mỹ Latinh, nhằm làm dày thêm danh sách bảo tàng thuộc thể loại này, bên cạnh Bảo tàng Người Mỹ gốc Phi, Bảo tàng Người Mỹ bản địa và Bảo tàng Người Do Thái thiệt mạng trong các cuộc thảm sát của Đức Quốc xã…
Dự luật cũng giúp nhân rộng phong trào công bằng xã hội kiểu Mỹ sang các quốc gia khác. Pakistan được nhận 25 triệu đô la cho các chương trình liên quan đến "giới". El Salvador được tài trợ để tuyển thêm cảnh sát nữ. Đây quả là một điều mỉa mai vô cùng khi nước Mỹ đang đối mặt với những lời kêu gọi giải thể cảnh sát.
Cũng trong khuôn khổ của dự luật này, Sudan được tài trợ 700 triệu đô la để hỗ trợ cải cách quản trị công – đây có thể coi là phần thưởng cho việc nước này đã công nhận "quyền tồn tại" của Israel.
Dự luật này cũng tài trợ 30 triệu đô la để thành lập Quỹ Phát triển Gandhi-King Mỹ-Ấn Độ. Campuchia được được nhận 85,5 triệu USD; Myanmar 134 triệu đô la; Ai Cập 1,3 tỷ USD; Các nước Trung Mỹ 505 triệu USD. Khoản tài trợ cho Kenya được cấp để phát triển một chương trình nghệ thuật. Điều thú vị là, nếu còn sống thì không đời nào hai lãnh tụ Gandhi và Martin Luther King Jr. lại muốn dành tiền để thiết lập quỹ mang tên mình: toàn bộ số tiền đó cần phải dành cho người dân đang khó khăn.
Một khoản ngân sách nữa trong dự luật này trị giá khoảng 193 triệu đô la sẽ được cấp cho các cán bộ phụ trách HIV/AIDS của Mỹ ở nước ngoài để mua ô tô mới. Rõ ràng, việc lái một chiếc ô tô đã qua sử dụng ở các nước châu Phi nghèo khó không xứng với tầm của các cán bộ phụ trách viện trợ Mỹ.
Lãnh đạo đảng Dân chủ đã trì hoãn Dự luật cứu trợ từ tháng 6 để ngăn cản ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Vì vậy, họ đã chờ đến sau ngày 3 tháng 11 mới chấp thuận. Sau đó, đảng Cộng hòa, với mong muốn ít nhất cũng phải thông qua được dự luật nào đó nên đã đồng ý thỏa hiệp với đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, trong nỗ lực không cho phép lãnh đạo phe Dân chủ thành công sau bầu cử, ông Trump đã từ chối đặt bút ký đưa Dự luật cứu trợ Covid thành luật. Ông yêu cầu đảng Dân chủ loại bỏ các khoản chi tiêu không phù hợp với mục đích cứu trợ đại dịch và phân bổ lại khoản tiền đó cho người lao động thất nghiệp. Ông Trump đã nhượng bộ để nước Mỹ không phải một lần nữa đóng cửa chính phủ.
Chuyện thực ra còn tệ hại hơn những gì chúng ta thấy. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì lý do gì mà nhiều nghị sỹ, cả Dân chủ và Cộng hoà, lại có thể bỏ phiếu thông qua một Dự luật có quá nhiều khoản chi tiêu đáng ngờ dưới danh nghĩa cứu trợ người lao động thất nghiệp đang thực sự cần trợ giúp của chính phủ? Quá dễ hiểu: cả hai phe đều được phép giữ bí mật các khoản chi tiêu của mình, cài cắm vào dự luật các khoản chi mà các thành viên khác không được biết. Quốc hội Mỹ đã gộp vào Dự luật này các dự án riêng mà nếu để tách ra sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Thậm chí còn tệ hơn nữa là việc các tác giả của các khoản chi tiêu đáng ngờ trong Dự luật được giấu tên và những đề xuất của họ được giữ bí mật. Khái niệm trách nhiệm giải trình không áp dụng cho những người này. Từ trước đến nay, đây là trường hợp duy nhất Quốc hội không muốn được ghi nhận cho thành tựu của mình.
Chưa dừng lại ở đó, 2 tiếng trước giờ bỏ phiếu lãnh đạo Quốc hội mới gửi bản Dự luật dài 5.500 trang này đến cho các thành viên xem xét - có nghĩa là Quốc hội đã vay 1 nghìn tỷ đô la mà không hề biết số tiền đó sẽ được dùng vào việc gì. Điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên: từ trước đến nay, nhiều người vẫn luôn nghi ngờ về việc liệu các nghị sỹ có thực sự biết họ đang làm gì hay không.
Nếu bạn cho rằng điều này là tệ hại thì cần phải nói rõ rằng đây là cách làm thường thấy khi lãnh đạo Quốc hội không muốn vấp phải sự phản đối hoặc giám sát. Chương trình Bảo hiểm y tế Obamacare nổi tiếng chính là một ví dụ cho cách tiếp cận này – Dự luật dài 1.000 trang, thay đổi toàn diện cả hệ thống y tế Mỹ, chỉ được gửi đến tay các thành viên Quốc hội vài giờ trước khi bỏ phiếu thông qua. Những chiêu tương tự như vậy cũng đã được áp dụng với Thoả thuận Vũ khí hạt nhân Iran và Hiệp ước Paris về Biến đổi Khí hậu.
Diễn biến mới nhất là những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ đã phá hoại nhà riêng của Lãnh đạo thượng viện Mitch McConnell nhằm trả đũa việc ông chặn thông qua dự luật cứu trợ.
Các chính trị gia, hoặc không biết hoặc không quan tâm đến việc là họ đang "chơi trò may rủi" với tương lai của nước Mỹ thông qua việc vung tay quá trán cho "những thứ ngu ngốc" (trích nguyên lời của ông Barack Obama).
Điều đáng thất vọng trong đại dịch này là lãnh đạo Mỹ đã để chính trị lấn át lý trí thông thường và sự công bằng, và để cuộc cạnh tranh của các lợi ích chính trị gây tổn hại cho đất nước. Sự tàn phá của đại dịch đã quá nặng nề nhưng các chính trị gia còn khiến mọi việc tồi tệ hơn nữa. Người dân nào cũng mong thế hệ dân biểu mình đã bầu ra sẽ nỗ lực để cải thiện tình hình đất nước. Điều đó không đúng với hệ thống hiện thời: Tiền lệ quản trị Mỹ đang ngày càng xấu đi chứ đừng nói đến việc tốt hơn.
Những chính sách và thực tiễn thất bại được áp dụng từ trước đại dịch đã được các chính trị gia tiếp tục thúc đẩy thực hiện trong và sau đại dịch. Phần lớn nội dung của Dự luật cứu trợ Covid là những mục bị bác bỏ trong quy trình ngân sách thông thường. Liệu có thể tìm thấy ở đâu cách làm phi dân chủ hơn thế này không?
Dường như chưa có nhân vật nào đủ khả năng xoay chuyển Quốc hội, chiếc ghế Tổng thống và cả Toà án theo chiều hướng tốt hơn. Người Mỹ đang tuyệt vọng tìm kiếm một đội ngũ lãnh đạo mới.
Như cách nói của ông Trump thì hy vọng chúng ta không tìm thấy sự sống trên các hành tinh khác vào lúc này bởi nếu có thì Quốc hội Mỹ sẽ ngay lập tức gửi tiền cứu trợ cho họ (chứ không phải người dân Mỹ)!
Doanh nghiệp & Tiếp thị