MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: "Anh Trương Gia Bình chỉ nói tư nhân đóng góp 50% GDP thôi, nhưng tôi thêm 10% nữa!"

Trong phần phát biểu vào cuối Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn kinh tế tư nhân sẽ đóng góp tới 60% GDP chứ không phải mức 50% mà ông Trương Gia Bình - một đại diện của khu vực này mong muốn. Và người đứng đầu Chính phủ cũng hy vọng: "Doanh nghiệp đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới".

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (lần thứ 2) – VPSF 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông cảm thấy vui vì ghi nhận được nhiều tín hiệu khả quan về niềm tin của doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ vẫn luôn nhất quán mục tiêu đã đề ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Những điều này đều phù hợp với nguyên tắc của các Tổ chức thương mại thế giới, các hiệp định song phương...

“Tại hội nghị này tôi cũng nêu 1 lần nữa: Chính kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế tư nhân lên từ 50 – 60% GDP”, Thủ tướng cho biết trong tràng pháo tay ròn rã của gần 1.000 doanh nhân.

“Anh Trương Gia Bình chỉ nói tư nhân đóng góp 50% thôi, nhưng tôi thêm 10% nữa. Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới...” Thủ tướng nói thêm.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, hiện nay các doanh nghiệp Việt chủ yếu đang phục vụ các doanh nghiệp lớn khác dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp. Do đó, ông cho rằng doanh nghiệp cần phải mạnh dạn hơn, tránh tự ti về kinh nghiệm, quy mô trong việc hợp tác với các công ty toàn cầu.

Nhắn nhủ doanh nghiệp, Thủ tướng nói: “Người xưa có câu: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi. Tôi tin rằng mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các bên liên quan”.

Theo đó, Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

“Các Bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan trực tiếp có mặt hôm nay cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các Diễn đàn với các khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, giải quyết kịp thời các vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý các vấn đề dài hạn, đồng hành với doanh nghiệp, xem các khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình. Cần có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi thị trường. Công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển nhất là trong cuộc cách mạng 4.0”, Thủ tướng cho hay.

Cụ thể cho những điều trên, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết thể chế chính sách phải phù hợp kịp thời. Ông cũng đồng ý với ý kiến của GĐ Ngân hàng ABD – Eric Sidgwick khi cho rằng chính sách thể chế phải coi trọng chất lượng, cần có tính nhất quán trong chính sách và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, nhất là bộ máy công chức.

Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cần phải có sự liên kết chia sẻ cơ hội, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu dẫm đạp lên nhau.

“Địa phương cần có cơ chế chính sách đặc thù để nhà đầu tư không phải chờ đợi. Bên cạnh đó cũng cần thu hồi các dự án đất đai tài nguyên và cơ chế chính sách với nhà đầu tư yếu kém, để trao cho các nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn, đồng hành cùng địa phương, Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Đặc biệt ngành ngân hàng phải nhận thức được việc khó khăn tiếp cận vốn của doanh nghiệp có phần trách nhiệm của mình”, Thủ tướng nói tiếp.

Theo đó, Thủ tướng nhận định doanh nghiệp làm ăn được mới có nguồn tiền về cho ngân hàng, hai bên cùng phát triển với nhau. Do đó, ngành ngân hàng phải hiểu rõ, hiểu thấu đáo quy trình sản xuất khó khăn của doanh nghiệp. “Cần tư duy theo hướng này và cụ thể hoá ở cơ chế cho vay linh hoạt”, ông nói.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng nhắn nhủ cần có sự liên kết, phát huy thế mạnh của nhau, tránh phát triển theo phong trào dàn hàng ngang.

Thủ tướng nói: “Ở Việt Nam có câu cây đa dựa thành, thành dựa cây đa. Chính các doanh nghiệp, các bộ ban ngành sẽ là tiền đề quan trọng để đất nước phát triển theo các tiêu chí chúng ta đã đề ra hôm nay”.

Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định lại một lần nữa Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới với nhiệm vụ chính: cải cách hành chính tốt hơn nữa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm phí...

“Để thực hiện điều đó, ngoài nỗ lực của bộ máy Chính phủ, còn cần sự hỗ trợ đóng góp của mọi tầng lớp trong xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên