Thủ tướng: Cả hai phía cung và cầu đều phải được kích thích mạnh mẽ
Ngày 4/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tập trung thảo thảo luận về các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ người lao động.
- 04-09-2020GDP năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2-2,5%, năm 2021 là 6,7%
- 04-09-2020Sau khi trợ cấp "thoát Trung" cho 30 công ty sang Việt Nam, Nhật Bản có thể trợ cấp cho công ty chuyển sang Ấn Độ
- 04-09-2020Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- 03-09-2020Giá, phí hàng không chính thức giảm 50% từ ngày 20/10
Tại phiên họp, Thủ tướng đã điểm lại tình hình tháng 8 vừa qua, cho biết chúng ta đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, các lĩnh vực quan trọng đã ôn lại truyền thống hào hùng để tiếp tục đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù chúng ta đã chỉ đạo kiểm soát tốt tình hình nhưng không được chủ quan, đồng thời không thể đóng cửa, không lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động.
Mới đây, tạp chí The Economist đã đánh giá Việt Nam nằm trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, cùng nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Việt Nam cũng có những chuyển biến đáng mừng trong tháng 8, cụ thể là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Thêm vào đó, CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng 7, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành nông nghiệp trong năm nay phấn đấu giữ mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt đối với nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD.
Thủ tướng phát biểu, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng gần 31% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 Việt Nam ghi nhận là năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận về những tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019; 8 tháng chỉ tăng 2,2%.
Làn sóng dịch quay trở lại trong tháng 8 khiến hoạt động thương mại và dịch vụ có xu hướng giảm. Nhìn chung, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, người lao động vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm, nhất là ở khu vực đô thị.
Từ những thách thức trên, Thủ tướng đề nghị đặt ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể trong 4 tháng còn lại, không chỉ để tăng trưởng dương mà còn phấn đấu giữ cân đối lớn, ổn định đời sống nhân dân.
Đầu tiên là thảo luận các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải đề xuất giải pháp cụ thể cả về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tín dụng ngân hàng,...
Thủ tướng cũng đề cập lại các chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cụ thể về việc tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập.
"Đây là việc xã hội rất mong", Thủ tướng nhận định.
Tiếp theo là các chính sách tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cần phải đủ mạnh, được cải cách hành chính quyết liệt hơn, từ đó mới có thể huy động các nguồn lực xã hội, tạo động lực phát triển.
Cuối cùng, Thủ tướng nêu rõ cần phải quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi kinh tế. Đặc biệt, phải kích thích kinh tế mạnh mẽ, cả phía cung và phía cầu do hiện nay, cung và cầu vẫn còn yếu.
Các chính sách kinh tế, điển hình như chính sách tài khóa, tiền tệ cần phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, năng cao năng suất, sức cạnh tranh, áp dụng những phương thức mới nhằm phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới.