MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: “Cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm”

Thủ tướng: “Cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm”

Ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc đầu tiên với TP.HCM trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

TẬP TRUNG NGÂN SÁCH TĂNG THÊM CHO TP.HCM

Sau khi lắng nghe các các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng nêu rõ, ngoài 15 vấn đề trong báo cáo của thành phố, đoàn công tác đề xuất thêm nội dung thành phố phải khẩn trương triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Qua làm việc, đoàn công tác và TP.HCM cơ bản đồng tình với 16 nội dung này.

Thủ tướng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội tháo gỡ, xử lý những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Liên quan đến đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM được giữ lại, báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã xây dựng đề án điều chỉnh điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 -2025, tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng 12 kịch bản tỉ lệ điều tiết theo phương pháp khoa học.

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh điều tiết 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 cũng như giai đoạn 2011- 2016 đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí, thu ngân sách nộp về trung ương tăng so với trường hợp trung ương giữ nguyên tỉ lệ điều tiết 18% cho ngân sách TP. Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 là 23%.


"Về phần mình, Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó, Chính phủ cũng không nói có mà không làm.

Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những việc TP.HCM làm tốt hơn Chính phủ thì sẵn sàng giao cho TP.HCM, cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm. Cái gì biết mới quản, nếu không biết thì giao cho người biết quản; tránh tình trạng chỉ "hợp thức hóa" nếu không phân cấp, phân quyền", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan nhà nước tập trung thiết kế cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, công cụ kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật.

Về kiến nghị liên quan đến phát triển hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ, dự án hạ tầng giao thông đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng, Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ một phần kinh phí xây lắp với vai trò vốn mồi.

Về đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 54 của Quốc hội, Thủ tướng cho biết, tinh thần là Trung ương cho cơ chế, cho chính sách theo hướng phát huy tối đa không gian chủ động, sáng tạo của TP.HCM.

Thủ tướng cũng khẳng định "ủng hộ tối đa" kiến nghị của TP.HCM về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố. Chính phủ phối hợp với TP.HCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Với nguồn ngân sách tăng thêm, TP.HCM cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng: “Cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm” - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các tân phó thủ tướng và lãnh đạo bộ, ngành làm việc với TP.HCM. Ảnh: VGP.


Vể chuyển quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, Thủ tướng nêu rõ, nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát. Về cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 101 cho phù hợp thực tiễn để cải tạo không gian sống, môi trường, cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

MẠNH DẠN THÍ ĐIỂM NHỮNG VẤN ĐỀ CHƯA CÓ QUY ĐỊNH

Cũng tại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ nêu ra 8 yêu cầu cho TP.HCM.

Thứ nhất, phải chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự chống đỡ, chờ đợi sang chủ động tấn công mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Thứ hai, phát huy khí thế, thành tích, thành tựu đã đạt được để tự tin, đẩy mạnh các hoạt động, tổ chức thực hiện thật tốt, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Thứ ba, đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các biểu hiện suy thoái; nắm chắc các nguyên tắc hoạt động của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ tư, phải phối hợp trên dưới nhịp nhàng, các bộ, các ngành phải hết sức nỗ lực hỗ trợ Thành phố vì cái chung, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.

Thứ năm, TP.HCM phải xứng tầm hơn nữa là một trung tâm phát triển của vùng, của cả nước, xứng tầm với sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Thứ sáu, phải đi đầu trong thực hiện mục tiêu kép và cương quyết không để xảy ra dịch Covid-19.

Thứ bảy, phải thống nhất về nhận thức và hành động: Suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

"Vừa qua thành phố chưa mạnh dạn trong việc này. Nếu các đồng chí làm mà không có động cơ xấu, không tham nhũng tiêu cực, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì chúng tôi phải bảo vệ các đồng chí. Tăng cường kỷ luật kỷ cương nhưng phải bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, điều này Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu", Thủ tướng nói.

Thứ tám, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải dứt khoát phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; đi đôi với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra liên tục, đầy đủ, không để những sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Theo Hoàng Hà

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên