MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng cam kết dành 25.000 tỉ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ bố trí hơn 1 tỉ USD, tương đương 25.000 tỉ đồng, cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giai đoạn tiếp theo để tiếp tục đầu tư cho giao thông vận tải nội vùng và liên vùng như các con đường ven biển.

Sáng 10-11, buổi chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, từ 10 giờ 20 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có khoảng 50 phút để báo cáo những vấn đề đại biểu nêu và trực tiếp trả lời những nội dung đại biểu chất vấn.

Sau khi dành hơn 30 phút báo cáo về các vấn đề kinh tế - xã hội, những vấn đề đại biểu quan tâm, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời nhóm câu hỏi mà các đại biểu chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) về thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, như tại Nhật Bản, châu Âu dịch quay trở lại.

"Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Đến nay chúng ta đã xuất siêu gần 20 tỉ USD.

"Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc"- người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.

Phải thật tiết kiệm trong chi ngân sách

Trả lời chất vấn của các đại biểu về về bài toán cân đối ngân sách, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỉ đồng, giảm 170.000 tỉ đồng so với năm 2020. Thủ tướng cho biết ông rất thấm thía với câu hỏi này.

Về giải pháp, theo Thủ tướng, trước hết, phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này.

Để giữ cân đối thu chi ngân sách, Thủ tướng cho rằng trước hết cần tăng cường đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Các cấp, ngành và địa phương đều phải làm việc này.

Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ.

Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế…Thứ tư, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta phải giữ được kinh tế vĩ mô ổn định. ‘‘Các cấp, các ngành phải bám sát dự toán ngân sách 2021 do Quốc hội phê duyệt. Cương quyết đảm bảo bội chi ngân sách không vượt quá 4%’’- Thủ tướng nói.

Hơn 1 tỉ USD đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long

Về vấn đề phát triển đồng Bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng cho biết rất thấm thía vấn đề này. Đây là nơi có khoảng 20 triệu dân, chiếm tỉ lệ lúa, trái cây rất lớn, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực này, thích ứng với biến đổi khí hậu và đã 3 lần sơ kết, đánh giá, chỉ đạo trên tinh thần "thuận thiên", nhưng phải tái cơ cấu mạnh mẽ với các biện pháp phi công trình và những biên pháp công trình cần thiết.

Trong thời gian qua, đồng Bằng Sông Cửu Long liên tục bị xâm nhập mặn, năm 2015 và 2016 thiệt hại nặng nề, chúng ta đã chuyển thời vụ kịp thời nên năm nay chỉ thiệt hại trên 7% so với 2016. Đặc biệt, tăng cường bố trí nguồn lực so với giai đoạn trước, đã có nhiều giải pháp giải quyết vấn đề giao thông nội vùng và liên vùng. Chúng ta đã và đang triển khai một số công trình quan trọng, quy mô lớn như: Cái Lớn-Cái Bé (Kiên Giang), cống Trà Sư (An Giang), đường Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ, 51 km Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre…

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ bố trí hơn 1 tỉ USD, tương đương 25.000 tỉ đồng cho khu vực này và giai đoạn tiếp theo tiếp tục đầu tư cho giao thông vận tải nội vùng và liên vùng như các con đường ven biển, đường TP HCM - Vũng Tàu, TP HCM - Tây Ninh, vành đai 3 TP HCM… Với các biện pháp phi công trình và công trình, với sự chỉ đạo quyết liệt, chúng ta cố gắng giữ Đồng bằng Sông Cửu Long ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu.

Về chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) về gói hỗ trợ DN, người lao động trong dịch bệnh Covid-19 hiệu quả còn thấp, Thủ tướng cho biết chúng ta đã chủ động hỗ trợ đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như giãn, giảm, miễn thuế, phí nhưng việc hỗ trợ trực tiếp cho DN, người lao động chưa tốt.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cho DN, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Theo Nhóm Phóng viên

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên