Thủ tướng: Chính phủ luôn ủng hộ cách làm nông nghiệp công nghệ cao
Thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước, Thủ tướng nói: “Các nhà tư vấn, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp ở bất cứ tỉnh nào làm nông nghiệp công nghệ cao thì Chính phủ đều ủng hộ, coi đó là tiềm năng, là thế mạnh của nước ta”.
- 28-12-2016Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM: Không dễ!
- 20-12-2016Gỡ "nút thắt" về vốn cho nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam
- 20-06-2016Nông nghiệp Việt: “Miếng bánh” thơm thu hút đầu tư công nghệ cao
Sáng 2/1, trong chuyến công tác tại Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan, tìm hiểu cách làm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước (trụ sở tại ấp 8, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) có diện tích 50 ha, tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng theo mô hình đa chức năng, tập trung cho lĩnh vực trồng trọt.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, việc thành lập Trung tâm là làm hạt nhân để phát triển các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại các địa bàn trong tỉnh thời gian tới, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng, bền vững, từng bước xây dựng chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất, chủ động xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa uy tín trên thị trường.
Thủ tướng đánh giá cao mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bước đầu, Trung tâm hợp tác với nhiều chuyên gia trong và ngoài tỉnh xây dựng hệ thống trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh hồi lưu; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng; mô hình cơ giới hóa trong việc trồng khoai mì (sắn), đậu tương…
Đến thăm và nói chuyện với các cán bộ, người lao động của Trung tâm, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến thành công của mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Bình Phước và cho rằng, có 2 vấn đề có thể rút ra từ thành công của mô hình này.
Đó là có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học của thế giới vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát huy tiềm năng, lợi thế về chế tạo công cụ, thiết bị phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.
“Nói về công nghệ thì người ta thường nói tới nhà kính, nhà lưới, hệ thống điều tiết nước, nhiệt độ, nhưng mức độ đầu tư đến 5 tỷ đồng/ha thì làm sao người dân chịu được”, Thủ tướng cho biết và đánh giá cao mô hình ở Bình Phước sử dụng các thiết bị, công cụ sản xuất trong nước để hạ giá thành sản phẩm, trong khi đạt năng suất cao.
Thủ tướng xem các sản phẩm áp dụng công nghệ cao của Trung tâm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng mong muốn Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước cùng các nhà khoa học, hợp tác xã, doanh nghiệp liên quan nhân rộng mô hình này, không chỉ ở Bình Phước mà cả các vùng trên cả nước có điều kiện phù hợp.
“Tất cả các nhà tư vấn, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp ở bất cứ tỉnh nào làm nông nghiệp công nghệ cao thì Chính phủ đều ủng hộ, coi đó là tiềm năng, là thế mạnh của nước ta”, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành liên quan có các biện pháp hỗ trợ, nhất là hoàn thiện chính sách để giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về việc hỗ trợ vốn, Thủ tướng cho biết, đã đồng ý có một gói tín dụng khoảng 60.000 tỷ đồng và cho nhiều ngân hàng tham gia chương trình này để các nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn dễ dàng.
Thủ tướng và các nhân viên của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, quy hoạch, chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh nhu cầu của người dân đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn rất lớn.
Chinhphu.vn