Thủ tướng: Chọn 'đột phá trong đột phá' để phát triển nhanh và bền vững nhất
Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Sáng 5/2, tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- 04-02-2023Gần 1,7 tỷ vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2023, ngành nào được đầu tư nhiều nhất?
- 03-02-2023Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2022: Việt Nam xếp thứ mấy?
- 01-02-2023Gần chạm ngưỡng 100 triệu người, dân số Việt Nam đứng thứ mấy trong khu vực?
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng hơn 800 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị là một dấu mốc quan trọng tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức; cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, các nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 thông qua xúc tiến đầu tư Vùng. Do đó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Chiến lược Phát triển bền vững của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.
Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Quang cảnh Hội nghị.
Chương trình hành động của Chính phủ tập trung phát triển các ngành kinh tế biển theo Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển, nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Trong đó, tiểu vùng Trung Trung Bộ có vai trò động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng;
Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan tỏa, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của Vùng; xây dựng hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu kinh tế-xã hội.
Chương trình hành động của Chính phủ xác định 17 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường, phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%, thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước…
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Vùng để phát triển bứt phá, gồm các dự án có tính kết nối vùng: đường cao tốc trục Bắc Nam, đường cao tốc trục ngang kết nối đông -tây, đường bộ ven biển, đường sắt, cảng biển, các dự án nâng cấp, xây mới các cảng hàng không hiện có trong vùng; đồng thời đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính, là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Vì vậy, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần xem xét những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tạo phát triển. Các địa phương trong Vùng phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn một vài việc để đột phá. Đất nước ta đã chọn 3 đột phá chiến lược để phát triển, do đó Vùng phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhưng phải chọn “đột phá trong đột phá” để phát triển nhanh và bền vững nhất đối với khu vực.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã có nhiều tham luận, phát biểu nêu rõ những tiềm năng, cơ hội phát triển, cũng như những khó khăn, vướng mắc... Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có các cơ chế, chính sách để tận dụng tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung vào phát triển các hạ tầng chiến lược như hệ thống giao thông, các tuyến đường cao tốc, cảng biển, phát huy vai trò kinh tế biển…
Trước đó, ngày 4/2, trong chương trình thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra, khảo sát và dự lễ khánh thành một số công trình hạ tầng trọng điểm tại địa phương như tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Mỹ Thành (thuộc tuyến đường ven biển quốc gia), Cảng hàng không Phù Cát, công trình Hồ chứa nước Đồng Mít (có tổng mức đầu tư hơn 2.140 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 15/4/2017).
Đại đoàn kết