Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11 về phát triển vùng trung du, miền núi phía Bắc
Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định rõ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển...
Hôm nay (27/8), tại thành phố Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội , bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ, các đối tác, nhà đầu tư… nhằm bàn cách triển khai 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp, hiện thực hóa các chỉ tiêu tăng trưởng mà Chương trình hành động của Chính phủ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022) đã đề ra.
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, thể hiện rõ khát vọng, ý chí, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng.
Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định rõ, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, dân số toàn vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước.
Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số .
VTV.VN