MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 100 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc nước ta xác định con đường xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh là vô cùng đúng đắn. Thủ tướng kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt 100 tỷ USD trong những năm tới.

Ngày 31/12, Thủ tướng cùng với lãnh đạo nhiều bộ, cơ quan đã có buổi đối thoại trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với bà con nông dân, hợp tác xã những vấn đề lớn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Đặt mục tiêu mới cho xuất khẩu nông lâm thủy sản

Đảng, Nhà nước luôn khẳng định phát triển nông nghiệp phải hướng đến hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: "Trong thành tựu chung của đất nước, ngành nông nghiệp có đóng góp rất quan trọng, kim ngạch xuất khẩu đạt 62,5 tỷ đô, xuất siêu 18 tỷ USD, trong khi xuất siêu cả nước chỉ khoảng 24-25 tỷ USD, tức là nông nghiệp chiếm hơn 70% tổng số xuất siêu của cả nước".

Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 100 tỷ USD- Ảnh 1.

Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 100 tỷ USD trong những năm tới. Ảnh: Lam Anh.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt ở trên 190 nước trên thế giới, đó là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Chúng ta sản xuất được hàng, đưa hàng đến nơi thị trường cần – đó là một quy trình rất lớn. Một nội dung nữa khẳng định vai trò vị thế của ngành nông nghiệp, đó là chúng ta không chỉ sản xuất đủ ăn mà còn thặng dư cao, xuất khẩu được trên 9 triệu tấn gạo, mang về hơn 5 tỷ USD.

Không những chúng ta có trách nhiệm đóng góp lương thực cho cộng đồng quốc tế mà còn thu lợi nhuận cho nông dân. Điều đó ngày càng khẳng định việc chúng ta xác định con đường xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh là vô cùng đúng đắn. Đó không chỉ là mục tiêu tham vọng rất lớn, nhiều người nói là bất khả thi mà chúng ta vẫn phải quyết tâm thực hiện. Đó là khát vọng của dân tộc, của đất nước, khó mấy cũng phải làm. "Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới", Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, chế biến sâu cho nông nghiệp chưa được đầu tư mạnh, nhà nước cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan đẩy mạnh tìm hiểu, dự báo thị trường, kết nối thị trường. Ví dụ chúng ta đang có mấy mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, gạo, cá tra, cà phê… thì phải dự báo thị trường để có chính sách điều tiết, xác định các mặt hàng cần tập trung phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai khâu nước ta còn yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu, cần nỗ lực hơn. Phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách về đất đai , thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng, đào tạo nhân lực…

Khẳng định vị thế 'trụ đỡ của nền kinh tế'

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tác động của cơn bão số 3. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà với nhiều kỷ lục được phá vỡ.

Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 3,2%. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%, chiếm gần 72% xuất siêu cả nước.

Trong đó, có 7 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, một số ngành hàng đã có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu kỷ lục mới và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: rau quả (7,12 tỷ USD, tăng 27,1%), gạo (xuất khẩu trên 9 triệu tấn, đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 23%), cà phê (gần 5,5 tỷ USD, tăng 29,1%)...

Theo Bộ NN&PTNT, thành công của năm 2024 là kết quả của việc triển khai đồng bộ nhiều đề án và chính sách xuất khẩu. Từ năm 2023, ngành đã đẩy mạnh nhiều chương trình thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thêm nhiều thị trường mới có tiềm năng.

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP đã mở ra cánh cửa lớn cho nông sản Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Các đơn hàng lớn liên tục được đàm phán và ký kết ngay từ đầu năm 2024, góp phần duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.

Theo Thanh Huyền

Tiền phong

Trở lên trên