Thủ tướng Canada Justin Trudeau thành trở ngại lớn nhất của TPP-11
Sau sự quay lưng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang được coi là trở ngại lớn nhất với hiệp định thương mại đột phá TPP-11 khi Canada tỏ ra chưa sẵn sàng đặt bút ký.
- 18-11-2017Nhật Bản thúc giục các bên ký TPP trước giữa năm 2018
- 16-11-2017TPP không nên dừng ở con số 11 và lý do khiến Mỹ có thể quay lại
- 11-11-2017Thủ tướng Trudeau lý giải chuyện không tới họp lãnh đạo TPP, khẳng định "công việc là quan trọng với người Canada"
- 11-11-2017Tuyên bố chung của các Bộ trưởng phụ trách Kinh tế về TPP-11
- 11-11-2017Vì sao TPP phải đổi tên và điều gì khiến Canada đột ngột thay đổi thái độ?
- 11-11-2017TPP có tên mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Thủ tướng Canada bị truyền thông Nhật Bản và Australia chỉ trích mạnh mẽ vì không có mặt trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 10/11 tại Việt Nam cùng lãnh đạo 10 nước thành viên TPP để bàn về tương lai hiệp định tiến bộ này. Trong khi phía Nhật Bản muốn các bên nhanh chóng ký kết hiệp định mà chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định rút lui hồi đầu năm, phía Canada cho rằng nhiều điểm trong quá trình đàm phán vẫn còn gây tranh cãi và cần đàm phán lại.
Những khác biệt sẽ tiếp tục làm trì hoãn việc thông qua TPP-11 dù tại Đà Nẵng, các bên đã nhất trí tạm hoãn 20 điều khoản của TPP khi có Mỹ. Tuy nhiên, tờ Sankei của Nhật Bản dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Tokyo muốn thỏa thuận được thông qua càng sớm càng tốt và có thể không cần tới chữ ký của Canada. Trước đó, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng thúc giục các bên thông qua TPP-11 trước thời điểm một số nước thành viên tiến hành bầu cử.
Hiện tại, Canada đang tìm cách miễn trừ về văn hóa trong các điều khoản của TPP-11, cho phép chính phủ của ông Trudeau có quyền hỗ trợ cộng đồng dân số Canada nói tiếng Pháp. Đây là nhóm cử tri quan trọng của Thủ tướng Trudeau. Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau cũng không quá mặn mà với TPP khi thay thế người tiền nhiệm Stephen Harper. Chính phủ của ông đang hoàn toàn bị thu hút bởi các cuộc đàm phán Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ và Mexico khi Tổng thống Donald Trump dọa rút khỏi hiệp định này.
Việc Canada đòi miễn trừ văn hóa chắc chắn cũng sẽ gây nhiều phức tạp cho quá trình đàm phán. Trong khi đó, bài viết của Sankei nhấn mạnh rằng các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản, sẽ không ủng hộ điều này.
Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kotaro Nogami cho biết: “Ở Đà Nẵng, chúng tôi đã thống nhất rằng 11 quốc gia thành viên sẽ đưa TPP vào thực hiện và chúng tôi không thảo luận về việc ký nó khi không có một quốc gia nào đó”. Như những gì đạt được bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các phái đoàn đàm phán đã thống nhất TPP-11, hay còn gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có 6 nước thông qua.
Ngày 11/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thông báo, bên lề tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng kinh tế của 11 nền kinh tế APEC đã họp từ 8/11 nhằm sớm đưa đến một thỏa thuận chung về tương lai TPP. Sau cuộc họp các Bộ trưởng tại Hà Nội, các nền kinh tế TPP-11 lần lượt tổ chức làm việc ở cấp Trưởng đoàn đàm phán và thống nhất được nhiều nội dung quan trọng.
Trên cơ sở 4 vòng đàm phán đó, các Bộ trưởng ở Đà Nẵng đã thống nhất về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung của TPP cũ nhưng cho một số các nước thành viên tạm hoãn các nghĩa vụ. CPTPP là toàn diện, cân bằng lợi ích các thành viên, có tính tới lợi ích của các nước. Các Bộ trưởng giao cho các Trưởng đoàn đàm phán giải quyết những vướng vắc chưa đạt được.