Thủ tướng: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, trước con số hơn 5.000 giấy phép con còn tồn đọng, làm khó doanh nghiệp.
- 03-08-2017Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo việc giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
- 02-08-2017Đây là điểm đặc biệt trong cơ chế hoạt động, nhân sự của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng
- 31-07-2017Toàn cảnh phiên đối thoại của Thủ tướng với gần 1.000 doanh nghiệp
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên họp chiều ngày 3/8 đã cho biết ngày 31/7 Bộ đã có công văn báo cáo Thủ tướng về việc xem xét giảm phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Phạm Hồng Hà (Bộ Xây dựng), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (Chủ nhiệm VPCP) cho rằng báo cáo của Bộ Tài chính chưa nêu được toàn cảnh bức tranh về chi phí của doanh nghiệp và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo căn cơ hơn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết doanh nghiệp còn gặp khó vì các loại chi phí trong các lĩnh vực như giấy phép xây dựng, chi phí lao động, vốn, tiếp cận thị trường… do đó cần cái nhìn tổng quan.
Dẫn ra số liệu của VCCI, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh thường được biết với cái tên “giấy phép con”.
Trong đó, Bộ Công thương đứng đầu danh sách khi có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Bộ ít nhất là Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.
“Kiến nghị Thủ tướng giao thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát toàn bộ các lĩnh vực khác, ngoài các lĩnh vực mà Bộ Tài chính đã chuẩn bị. Từ đó giảm cả chi phí chính thức và phi chính thức”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra, một lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%.
Phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc giảm lãi suất vừa qua và các kết quả mà Bộ Tài chính báo cáo là rất thiết thực với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn...
Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó, cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Do đó Thủ tướng nhận định đây là việc cần nghiên cứu, trao đổi lại.
Cùng với đó, ông đánh giá chi phí vận tải, logistic còn cao. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Liên quan đến giấy phép con, Thủ tướng nói rằng “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.
“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế, nhất là các biện pháp giảm tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục. NHNN đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng.
Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục không gặp trực tiếp, tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV/2017 có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh tinh thần đưa năm 2017 là năm giảm chi phí doanh nghiệp.