MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Hãy vượt qua tâm lý 'an toàn là trên hết'

Phát biểu tại cuộc làm việc với TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta hãy vượt qua suy nghĩ Thành phố đã đạt đến ngưỡng rồi, không thể phát triển bứt phá. Chúng ta hãy nhìn ra những thành công trong khu vực và thế giới. Hãy vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới. “Chính phủ sẽ cùng giải quyết các khó khăn và ủng hộ, song hành cùng các đồng chí, với cách làm mới của Thành phố”.

Sáng 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về tình hình kinh tế-xã hội.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TPHCM có vị trí vô cùng quan trọng không chỉ với miền Nam mà với cả nước. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích những mặt nổi bật, tồn tại của Thành phố và thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển, xử lý giải quyết bởi "Thành phố phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu Thành phố có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung". Thành phố tăng thêm 1% GDP thì GDP cả nước tăng 0,21%.

Góp ý cho Thành phố, thành viên đoàn công tác Chính phủ đánh giá cao kết quả về phát triển kinh tế-xã hội mà TPHCM đạt được thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng số dân nhập cư đông, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng của Thành phố. Dự đoán đến 2025, Thành phố có 10 triệu dân thì hiện nay, dân số của Thành phố đã đạt mức này. Dân số quá đông gây quá tải cho hệ thống giáo dục như thiếu trường lớp, nhất là bậc mầm non, quá tải bệnh viện, gây ùn tắc giao thông. Thành phố còn đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vừa qua, Thành phố được xem là đi đầu cả nước về giải phóng vỉa hè, lòng đường, được nhiều địa phương học hỏi. Do đó, Thành phố cần tiếp tục duy trì mạnh mẽ công tác này.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, về dự án sân golf gần sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ dự án để kiểm tra, thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cam kết từ nay đến cuối năm, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đạt mục tiêu đề ra, nộp ngân sách đạt và vượt. Thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh tại một cửa. Thành phố sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia hàng không để bàn bạc, hiến kế phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ Thành phố trong việc xây dựng đề án đồng bộ đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chính phủ gắn trách nhiệm của mình vào thách thức của Thành phố

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh TPHCM luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động và nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới thường được triển khai ở TPHCM rồi lan rộng ra cả nước.

Cơ cấu kinh tế của Thành phố thể hiện sự năng động, xu hướng tích cực. Kinh tế tư nhân chiếm 59% (cả nước 49%), kinh tế nhà nước 16%, FDI 25%. Đi liền với cơ cấu GDP là cơ cấu vốn. Theo số liệu năm 2015, vốn đầu tư tư nhân chiếm 65%, vốn nhà nước 20%, vốn FDI 15%. Điều này cho thấy kinh tế tư nhân đang là động lực mạnh dẫn dắt sự tăng trưởng của Thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đạt kết quả tương đối toàn diện, tích cực. Khu vực nông nghiệp chỉ còn 0,7% GDP, càng đặt ra yêu cầu quy hoạch lại sử dụng đất nông nghiệp rất lớn. Đặc biệt, TPHCM luôn là địa phương đồng hành cùng cả nước trong nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, từ giải quyết thiên tai, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo, đến giáo dục, y tế, chủ quyền biển đảo… “Hình ảnh người ta để một cái thùng hay cái rổ, cái rá ở ngoài chợ Bến Thành rồi người dân lần lượt đi qua, đưa tiền vào đó là hình ảnh rất cảm động của nhân dân Thành phố”, Thủ tướng nói việc đóng góp từ thiện của Thành phố ủng hộ bà con bị thiên tai ở mọi miền Tổ quốc rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tại cuộc làm việc, “chúng ta cũng thấy rõ khó khăn, hạn chế của Thành phố trong phát triển”. Thủ tướng chỉ ra, Thành phố khó khăn trong việc đạt kế hoạch tăng trưởng GDP. Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thành phố. TPHCM là nơi thu hút FDI sớm nhất và mặc dù 6 tháng đầu năm vốn FDI gấp 2 cùng kỳ nhưng trong 10 năm qua, tỉ lệ vốn FDI thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Công nghiệp dịch vụ chiếm 99% GDP nhưng đất dành cho công nghiệp dịch vụ chỉ 7% diện tích. Một ha đất công nghiệp dịch vụ tạo giá trị gia tăng 50 tỷ đồng trong khi 1 ha đất nông nghiệp tạo giá trị gia tăng 68 triệu đồng.

Thành phố có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp với diện tích đang khai thác 3.748 ha nhưng cũng chỉ xấp xỉ 50% diện tích đất quy hoạch cho công nghiệp. Vậy nguyên nhân nào trong nhiều năm, Thành phố không mở rộng được diện tích khu công nghiệp làm tốc độ công nghiệp chậm so với cả nước?, Thủ tướng đặt vấn đề. Chỉ ra bất cập về hạ tầng đô thị, ùn tắc, úng ngập, ô nhiễm, kết nối giao thông với sân bay, bến cảng, Thủ tướng cho rằng, không thể để TPHCM đi vào vết xe của các thành phố khói bụi, ô nhiễm và tắc nghẽn, làm mất đi sức hấp dẫn và tính cạnh tranh.

Đây cũng là thách thức đối với Thành phố khi mà TPHCM là trung tâm chất thải lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng còn nêu ra thách thức về tăng năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

“Kết quả của chúng ta nổi bật, thách thức cũng rất lớn, cho nên cùng với Thành phố, các bộ, ngành của Trung ương, của Chính phủ gắn trách nhiệm của mình vào thách thức của Thành phố. Trung ương không đứng ngoài cuộc trước thách thức của Thành phố, kể cả phân cấp, tạo cơ chế cho TPHCM”, Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Quan điểm phát triển, nguyên tắc, giá trị cối lõi đối với TPHCM

Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra quan điểm phát triển đối với TPHCM: Phải là Thành phố toàn cầu, là nơi hội tụ Đông Tây, đề cao các giá trị nhân văn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt Nam (mà hiện thân là những con người phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách) là sự khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Gợi mở cho TPHCM, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn mà ông đã phát biểu cách đây 1 năm: “Đó là một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa, là động lực cho phát triển bền vững và là đầu tàu cho cả nước trong hội nhập sâu rộng có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.

“Vậy các giá trị, nguyên tắc cốt lõi của TPHCM là gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, đó là một đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng thông minh, quản lý thông minh, đề cao kỹ trị, tôn trọng tiếng nói của người dân, xây dựng con người văn hóa, văn minh, xã hội gắn kết và rộng mở, tăng trưởng xanh, bền vững và sáng tạo. Thành phố cần phát triển bao trùm, tức là mọi người dân, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về cơ hội phát triển, hưởng lợi công bằng từ thành quả phát triển, môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho mọi tài năng trẻ và bất kỳ ai có ý chí vươn lên.

Nguyên tắc cốt lõi nữa là năng động, hội nhập và phát huy bản sắc mà “chúng ta thường hay nói là văn hóa phương Nam, xây dựng thương hiệu TPHCM năng động, hiện đại, hội nhập, giàu tính nhân bản và có chiều sâu văn hóa, luôn trân trọng, ghi nhớ, giữ gìn, phát huy những thành quả khai phá, những giá trị di sản và dấu ấn lịch sử của các bậc tiền nhân và mọi thế hệ người Việt trong tiến trình phát triển trên 300 năm của Thành phố”.

Thủ tướng đặt mục tiêu then chốt cho TPHCM là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững, thực thi mục tiêu công bằng, không để người dân nào của Thành phố đứng bên lề của sự phát triển. Chú trọng phát triển Thành phố bền vững, cạnh tranh, bao gồm năng suất cao, nâng cao chất lượng cuộc sống và luôn trân trọng, ghi nhớ công sức của các thế hệ đi trước. Tỉ trọng dịch vụ và sáng tạo trong cơ cấu kinh tế phải tăng nhanh và ngày càng lớn.

Nhất trí với 7 chương trình đột phá mà Đại hội X của Đảng bộ TPHCM đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung mà Thành phố cần có kế hoạch cụ thể cả trước mắt, lâu dài để triển khai.

Đó là tiếp tục quy hoạch Thành phố, có tầm nhìn xa và đổi mới cách làm quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ liên quan và Thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2017.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là 4 chỉ số còn tồn tại mà Thủ tướng đã nêu (chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, tính năng động). Thành phố phải dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và cơ chế một cửa; phải nằm trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất, là nơi thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn cả nước. Cần tạo ra đột phá mới trong đầu tư tư nhân. “Các đồng chí nên có Hội nghị để bàn với các nhà đầu tư tháo gỡ những rào cản, kể cả trong thu hút đầu tư lẫn kết nối khu vực trong nước với khu vực FDI”, Thủ tướng nói.

Cùng với Hà Nội, TPHCM cần đi tiên phong, trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, trung tâm giáo dục quốc tế, trung tâm y tế quốc tế. Thành phố phải tạo dựng môi trường tốt, cơ chế tốt để thu hút người giỏi trong nước và quốc tế đến TPHCM.

TPHCM cần đặc biệt lưu ý đến phát triển bền vững, đòi hỏi giải pháp căn cơ, dài hạn trong chống ngập và phải làm sớm. Thành phố có khối lượng chất thải công nghiệp dịch vụ lớn gấp 10-20 lần cả nước, phải xem lại chiến lược xử lý rác bằng giải pháp công nghệ mới. “Ta tôn trọng giấy phép đầu tư đã cấp nhưng không thể tiếp tục mở rộng chôn lấp rác”, Thủ tướng yêu cầu phải biến rác thành năng lượng, thành phân bón, rác phải được tái chế, sử dụng.

Thành phố cần chủ động xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung-cầu và lan tỏa về công nghệ, sáng tạo giữa TPHCM với các địa phương. Cần cơ chế để phát huy vai trò dẫn dắt cũng như điều phối phát triển vùng của TPHCM, Thủ tướng nói và bày tỏ ủng hộ TPHCM lập đề án phát triển vùng để tìm ra một cơ chế khuyến khích các dự án liên kết vùng.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giải quyết vấn đề “áo đã quá chật”

Thủ tướng đề nghị Thành phố xây dựng các giải pháp phát triển đô thị thông minh. Đó là sự thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý đô thị nhờ vào công nghệ mới trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và mục đích phục vụ của một thành phố thông minh, hướng tới yếu tố “đáng sống” của Thành phố. Trên cơ sở đó thu hút và giữ chân người tài.

TPHCM phải tiếp tục suy nghĩ để thí điểm những cơ chế mới, nhanh chóng xử lý các vấn đề điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn như cơ chế khuyến khích và quản lý cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực tài chính, cơ chế đất đai. “Người ta thường hay nói “cái áo đã quá chật”. Các đồng chí tiếp tục nêu ra với Bộ Chính trị, với Chính phủ xem cái áo quá chật này là như thế nào, ở đâu?”, Thủ tướng bày tỏ. “Các đồng chí cần làm thành công để cả nước rút kinh nghiệm”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các giải pháp về bảo đảm an ninh an toàn, xây dựng cuộc sống trong lành, an bình, các điều kiện an sinh cho người dân.

Thành phố cần mạnh dạn, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương các giải pháp có tính pháp lý cao hơn, kể cả xây dựng luật pháp để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh: Đội ngũ của TPHCM, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm. Chúng ta hãy vượt qua suy nghĩ Thành phố đã đạt đến ngưỡng rồi, không thể phát triển bứt phá. Chúng ta hãy nhìn ra những thành công trong khu vực và thế giới. Hãy vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới. Chính phủ sẽ cùng giải quyết các khó khăn và ủng hộ, song hành cùng các đồng chí, với cách làm mới của Thành phố.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến, xử lý, giải quyết các kiến nghị của TPHCM.

Theo Đức Tuân

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên