MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Hungary bảo vệ "cái bắt tay" với ông Putin ở thượng đỉnh EU: Phương Tây sôi sục

29-10-2023 - 09:17 AM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Hungary bảo vệ "cái bắt tay" với ông Putin ở thượng đỉnh EU: Phương Tây sôi sục

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, ông tự hào về mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hãng tin AP đánh giá, nếu cái bắt tay nồng nhiệt với Tổng thống Nga Vladimir Putin là chưa đủ khiến Liên minh châu Âu (EU) bất an thì Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bổ sung thêm những lo ngại giữa các nhà lãnh đạo phương Tây bằng cách tham dự hội nghị thượng đỉnh EU hôm 26/10 và tuyên bố rằng ông đã đúng khi gặp ông Putin và hầu hết các lãnh đạo khác đã sai.

Thủ tướng Orban tự nhận mình là người duy nhất tích cực tìm kiếm hòa bình ở Ukraine, mặc dù lập trường gây tranh cãi của ông về Nga dường như đã có thêm đồng minh khi tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng đã lên tiếng đe dọa cản trở viện trợ của EU cho Ukraine.

Thủ tướng Orban nói về cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin

Khi các nhà lãnh đạo EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh mùa thu tại Brussels, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tham gia trực tuyến, kêu gọi khối tiếp tục viện trợ cho Ukraine và thể hiện sự đoàn kết trước Moscow.

Tổng thống Zelenskyy nói với các nhà lãnh đạo: "Và một điều nữa, tôi cảm ơn tất cả những người đang nỗ lực hết sức để duy trì sự đoàn kết. Đoàn kết với Ukraine và đoàn kết trong khối Liên minh châu Âu."

"...là người duy nhất lên tiếng vì hòa bình.."

Thủ tướng Orban vẫn ủng hộ ý tưởng về cuộc gặp gây tranh cãi vào tuần trước với ông Putin tại Bắc Kinh.

"Chúng tôi luôn mở tất cả các đường dây liên lạc với Nga. Nếu không, sẽ không có cơ hội cho hòa bình. Đây là một chiến lược và chúng tôi tự hào về điều này," ông Orban nói.

"Chúng tôi là người duy nhất lên tiếng thay mặt hòa bình - điều sẽ là lợi ích của mọi người ở châu Âu." Đồng thời, Thủ tướng Hungary cũng phản đối quan điểm chính thức của EU là xây dựng thế hoàn toàn đối trọng với ông Putin kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Cuộc gặp khiến phương Tây sôi sục

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban hội đàm tại Trung Quốc ngày 17/10. Ảnh: AFP

Hôm 17/10, Tổng thống Putin và Thủ tướng Orban đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nga và Hungary kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.

Cuộc gặp giữa ông Putin và ông Orban đã khiến các quan chức phương Tây sôi sục. Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới The Guardian (Anh), ông Pavel - cựu tướng NATO đã cho biết: "Như các lần khác, ông Putin không gặp các nhà lãnh đạo châu Âu với mục đích đạt được hòa bình ở Ukraine. Hòa bình có thể đạt được mà không cần bất cứ cuộc đàm phán nào và chỉ bằng cách ngừng bắn."

Ông Pavel cho biết thêm: "Ông ấy (Tổng thống Nga) chỉ tổ chức những cuộc họp này với mục đích phá vỡ sự thống nhất của các nước châu Âu."

Đại sứ các nước NATO tại Hungary đã họp khẩn ngay sau cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Orban.

Cách tiếp cận đơn phương của Hungary được biểu tượng hóa bằng cái bắt tay với Tổng thống Nga Putin. Hãng tin AP nhận định, hình ảnh này đã làm suy yếu nỗ lực xây dựng hình ảnh đoàn kết của EU.

"Chúng ta không có quyền làm điều này (bất đồng ý kiến trong khối EU)," Tổng thống Litva, ông Gitanas Nauseda nói. "Điều đó rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn này. Phải đoàn kết, không được chia rẽ trong chính sách đối ngoại."

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, động thái của Hungary không chỉ làm suy yếu Brussels mà còn củng cố cho vị trí của Moscow. "Thực sự điều này chỉ có lợi cho Điện Krelim."

Các thành viên của Hội đồng Châu Âu phát biểu khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu, tại Brussels, Bỉ ngày 26/10/2023. Ảnh: Reuters

Sự hưởng ứng của tân Thủ tướng Slovakia

Ông Orban được cho là đã có một đồng minh mới ở bàn hội nghị thượng đỉnh là tân Thủ tướng Slovakia, ông Fico.

Giống như ông Orban, Thủ tướng Fico đã có những lời tốt đẹp cho Nga và những câu hỏi về hàng loạt lệnh trừng phạt kéo dài liên quan đến tình hình ở Ukraine mà EU đang áp đặt lên Nga. Trong chiến dịch tranh cử của mình ở Slovakia, ông Fico đã đưa ra những chính sách trái ngược với chính sách của EU, ông tuyên bố sẽ rút hỗ trợ quân sự của Slovakia cho Ukraine.

"Tôi muốn nói rõ, tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga trừ khi chúng tôi có những phân tích về tác động của chúng đối với Slovakia trên bàn đàm phán," ông Fico nói và lập luận rằng các lệnh trừng phạt Nga trước đó đã gây ra tổn hại trên chính đất nước của ông.

Theo Duy Anh

Phụ nữ mới

Trở lên trên