MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Không để tái diễn tình trạng rớt giá như dưa hấu, thịt lợn

“Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 và đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.

Sáng 4/5, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2017.

Chúng ta vừa chứng kiến kỳ nghỉ lễ nô nức…

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhìn nhận “chúng ta vừa chứng kiến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với không khí nô nức. Chưa bao giờ số lượng khách trong nước đi du lịch, nghỉ ngơi đông như thế. Nếu như năm ngoái, biển miền Trung vắng người thì năm nay, các bãi biển từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau, có thể nói là không còn chỗ trống. Đây là tín hiệu đáng mừng. Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông”.

Cho biết đã đi dự nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong thời gian qua như ở Bình Thuận, Trà Vinh, Thủ tướng bày tỏ, không khí đầu tư làm ăn của các địa phương, doanh nghiệp có khởi sắc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra nét tích cực nổi bật trong tháng 4 là kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố). Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi (nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn mức 4,2% của quý I).

Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây (đạt 4,86%, cùng kỳ 3%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 15,4%, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản).

Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng cao (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%). Thu NSNN tăng khá (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Thành lập mới DN đạt kết quả tích cực (gần 40.000 DN đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân trong tiêu thụ thịt lợn ở một số địa phương.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề cần tập trung giải quyết, thảo luận để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.

Không để xảy ra trường hợp tương tự như thịt lợn rớt giá

Theo Thủ tướng, một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi. Tổng cầu phục hồi chậm. Tình hình SXKD còn nhiều khó khăn (4 tháng có trên 4.000 DN giải thể và trên 27.400 DN tạm ngừng hoạt động).

“Các giải pháp quyết liệt cả về phía cung (tăng trưởng ngành, lĩnh vực) và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng) để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đòi hỏi phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn”, Thủ tướng nêu rõ và đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến nhận định, đánh giá thực trạng tình hình và đề xuất các giải pháp, đối sách để đạt được tăng trưởng 6,7% nhưng vẫn bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục.


Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự. “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.

Đối với ngành công nghiệp, ngành đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng, theo Thủ tướng, tăng trưởng còn thấp. Bốn tháng tăng 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh.

“Tôi đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng báo cáo rõ, đề xuất cụ thể các giải pháp để phục hồi tăng trưởng khu vực công nghiệp theo hướng tái cơ cấu, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, điện, nước, xây dựng”, Thủ tướng nhấn mạnh, “đồng thời, chúng ta sẽ nghe việc xử lý 12 dự án thua lỗ”.

Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh tăng chậm hoặc giảm trong khi nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất lại tăng mạnh.

Không để xảy ra điểm nóng an ninh trật tự

Về khu vực DN, Thủ tướng đề nghị tập trung bàn 2 vấn đề chính. Việc cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN những tháng qua còn chậm. Mặc dù số lượng nhiều và đang tăng mạnh nhưng khu vực DN tư nhân chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Chưa có chiến lược tổng thể phát triển năng lực của khu vực DN trong nước và đội ngũ doanh nhân.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm; còn nhiều vụ vi phạm quy định về công tác cán bộ, các vụ việc nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, lãng phí.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp để lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính và không để tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm… tiếp diễn.

An ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung được giữ vững nhưng còn nảy sinh một số vụ việc như kích động giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… diễn biến phức tạp.

Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp, bên cạnh chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân thì không để điểm nóng xảy ra trên phạm vi quốc gia là vấn đề cần thảo luận.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt tình hình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành, các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để Chính phủ thảo luận, thống nhất đưa vào Nghị quyết phiên họp. “Không thể nói là coi trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ an ninh trật tự xã hội được”, Thủ tướng nêu rõ.

Chính phủ đang rất cần Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trọng yếu, kể cả khối sản xuất, khối văn hóa-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội… tập trung chỉ đạo quyết liệt để tạo bước chuyển rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN cần đề xuất những giải pháp cụ thể để huy động được nguồn lực, giải quyết được tình trạng đình trệ trong đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư, khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích thích tiêu dùng, xuất khẩu để tạo đà cho tăng trưởng.

Trong từng ngành, lĩnh vực nói riêng, từ khoa học công nghệ, giáo dục đến y tế, lao động-việc làm, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông, cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng của từng ngành để đóng góp chung vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo chương trình phiên họp, buổi sáng, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, nghe và thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của một số Nghị định: Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và Khai thác cảng biển; quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Chính phủ cũng sẽ nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; Bộ Giao thông vận tải báo cáo về cơ chế, chính sách đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 4/2017.

Buổi chiều, Chính phủ thảo luận về tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, trong đó có phương án và các giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3 quý còn lại và cả năm 2017.

Theo Đức Tuân

Chinhphu.vn

Trở lên trên