Thủ tướng: Không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong kinh tế thị trường
Qua phát triển kinh tế hợp tác, Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn ra thị trường thế giới...
- 04-10-2019Góc kinh tế học: "Nghịch lý người tù" giải thích tại sao các tập đoàn trong thị trường độc quyền nhóm ít khi "cấu kết"
- 19-09-2019Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: "Cần phát triển thị trường giao dịch điện tử, hướng đến nền kinh tế số"
- 26-08-2019Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang tác động thế nào đối với nền kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam và toàn cầu?
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể diễn ra chiều 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: với 8,6 triệu hộ nông dân, trên 10 triệu ha đất, hàng triệu mảnh ruộng, vậy mà không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh.
Hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
Không trở lại tinh thần bao cấp cho hợp tác xã
Song, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để cùng nhau khắc phục. So với các khu vực kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới thành công số lượng chưa lớn, quy mô còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, người dân còn chưa mặn mà, một bộ phận chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là gì? Thủ tướng chỉ rõ, thể chế pháp luật bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hộ thành viên chưa được tốt, dẫn đến tư tưởng hoài nghi sự minh bạch của chính sách, về hoạt động, về sự an toàn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng sâu đến tâm lý các chủ thể kinh tế.
Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu, ở nhiều cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của hợp tác xã, chưa thấy hết được vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tâm lý hoài nghi về khả năng thành công của hợp tác xã còn khá nặng nề bởi sự thất bại của phong trào hợp tác xã kiểu cũ trước đây.
Các vấn đề về quyền tài sản, nhất là đối với đất đai, của các chủ thể phát triển nông thôn chưa được xác định rõ và có các giải pháp xử lý căn cơ, bài bản; còn gây nhiều tranh chấp, xung đột ở nông thôn.
Về quan điểm, định hướng phát triển kinh tế tập thể, Thủ tướng nêu rõ, phát triển kinh tế tập thể có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Nó tập hợp các nguồn lực nhỏ, sử dụng có hiệu quả để tạo thành nguồn lực lớn có sức mạnh giúp các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn.
Nhờ đó, các xã viên, các hộ kinh tế nhỏ vững vàng hơn trước các biến động của thị trường, thiên tai và dịch bệnh, làm tiền đề cho các hộ cá thể liên kết sản xuất lớn, nâng cao năng lực và năng suất lao động. 8,6 triệu hộ nông dân, trên 10 triệu ha đất, hàng triệu mảnh ruộng, vậy mà không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh, Thủ tướng nói.
"Qua phát triển kinh tế hợp tác, Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng…".
Chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong nước, những mô hình thành công để phát huy tối đa sức mạnh của hợp tác xã kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể. Các giá trị trung tâm cần phải có là "tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên hợp tác xã - người lao động - khách hàng - người tiêu dùng - đối tác, và đổi mới sáng tạo" trên nền tảng tổ chức quản trị hiện đại theo cơ chế thị trường.
Thủ tướng cho rằng cần sự hỗ trợ ban đầu khi còn khó khăn, "chứ không phải trở lại tinh thần bao cấp cho hợp tác xã, càng bao cấp càng không thành công".
Không thể tiếp tục chậm trễ
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.
Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính-tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển.
Dẫn dắt sự phát triển phong trào hợp tác xã theo phương châm ngắn gọn là "Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá". Nghĩa là tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các hợp tác xã, các xã viên.
"Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, phát biểu tại Đại hội Liên minh hợp tác xã, tôi đã đề nghị các đồng chí nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả. Việc này không thể tiếp tục chậm trễ", Thủ tướng nói.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vneconomy