Thủ tướng kiểm tra, đốc thúc hoàn thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào 30/4/2025
Chiều 10/8, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và dự Lễ khánh thành hầm chui mới trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới công trường dự án này.
- 11-08-2024Xây dựng các gói chính sách phù hợp, khả thi với doanh nghiệp
- 11-08-2024Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Có còn cần thiết để điều tiết thị trường?
- 11-08-2024Điều tra tiền lương tại doanh nghiệp để xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2025
Cùng đi với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TPHCM.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước); tiến độ xây dựng dự kiến 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm (khoảng 7.000 khách mỗi giờ) và các công trình phụ trợ phục vụ khai thác nội địa, phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.
Tháng 7/2022, Thủ tướng đã khảo sát hiện trường và họp chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất liên quan đến đất quốc phòng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 28/7/2022 tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án nhà ga hành khách T3 và đường giao thông kết nối với nhà ga T3.
Ngày 12/2/2024, Thủ tướng tiếp tục chủ trì buổi kiểm tra hiện trường và chúc Tết cán bộ, công nhân, yêu cầu ACV phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác công trình trước ngày 30/4/2025.
Kết quả triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 100% vào tháng 6 vừa qua. Sân đỗ máy bay đã hoàn thành. Phần bê tông thô đạt 100%, nhà ga xây thô kiến trúc đạt 80%. Thi công phần thân công trình đang kiểm soát được tiến độ theo kế hoạch. Các đơn vị phấn đấu hoàn thành lắp dựng kết cấu thép dịp 2/9/2024, đưa dự án vào khai thác đúng dịp 30/4/2025.
Đến nay, giá trị sản lượng đạt 5.880 tỷ đồng (54,3%), tổng giá trị giải ngân 3.759 tỷ đồng (34,7%). Theo ACV báo cáo, việc triển khai thi công dự án kiểm soát được tiến độ, không có khó khăn, vướng mắc.
Làm việc với các cơ quan liên quan ngay tại công trường dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các cơ quan liên quan, chủ đầu tư ACV, các nhà thầu trong triển khai dự án, bù lại tiến độ bị chậm trước đây và đặc biệt là 3.000 công nhân lao động hăng say trên công trường.
Để thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, đưa vào vận hành, khai thác dịp 30/4/2025 chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng yêu cầu ACV tập trung nhân lực của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công…, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục phát huy tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết để triển khai thi công công trình bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khai thác đúng tiến độ yêu cầu.
Thủ tướng lưu ý, thời gian thi công không còn dài, chỉ còn khoảng hơn 7 tháng (trong đó có 1 tháng Tết Nguyên đán), trong khi khối lượng công việc còn khá lớn (khoảng 45,7%) và là phần công việc có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các nhà thầu, đơn vị thi công. Do đó, cần thiết phải chỉ đạo quyết liệt hơn, giám sát chặt chẽ hơn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh để bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình.
Thủ tướng cũng lưu ý cần tập trung hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật công trình bảo đảm đồng bộ; kết nối đồng bộ, tổ chức tốt giao thông giữa công trình và hệ thống đường đô thi khi đưa công trình vào sử dụng, tránh tình trạng ùn tắc; đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư các hệ thống quản lý, giám sát thông minh, tự động để tạo thuận lợi cho người sử dụng và giảm nhân lực vận hành; đầu tư các hệ thống sử dụng năng lượng xanh, thông minh như điện mặt trời mái nhà; hoàn thiện sớm hệ thống cây xanh, cảnh quan sân vườn ngoài công trình, tại các sân đỗ, đường giao thông để đồng bộ khi đưa vào sử dụng.
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục bám sát quá trình thực hiện, chỉ đạo chủ đầu tư ACV trong triển khai dự án. UBND TPHCM khẩn trương triển khai, hoàn thành các tuyến giao thông kết nối, bảo đảm đưa vào sử dụng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại khi nhà ga hành khách T3 đi vào vận hành, khai thác. Bộ Xây dựng chuẩn bị sẵn sàng để làm tốt nghiệm thu công trình.
Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đất quốc phòng để bố trí các tuyến giao thông, cảnh quan khu vực nhà ga T3 và khai thác hiệu quả Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đồng thời, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng phân tích một số kinh nghiệm trong triển khai các dự án, công trình lớn. Theo đó, phải phát huy vai trò của người đứng đầu và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; làm tốt khâu giải phóng mặt bằng, khâu này phải đi trước một bước; chuẩn bị đầu tư phải kỹ lưỡng; việc lựa chọn nhà thầu phải công khai, minh bạch, đúng quy định để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát và không mất cán bộ; các chủ thể liên quan phải phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, tăng cường giám sát, đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Thông xe hầm chui trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ thông xe gói thầu số 9 - Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM; đồng thời phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến đường vào 31/12/2024, sẵn sàng phục vụ nhà ga T3 khi đưa vào khai thác.
Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa là dự án trọng điểm quốc gia, tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng, được UBND Thành phố phê duyệt và cùng khởi công với Dự án xây dựng nhà ga T3.
Dự án có mục tiêu xây dựng một tuyến đường mới nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, kết nối trực tiếp với nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng chiều dài 4 km, mặt cắt ngang 6 làn xe.
Trong đó, gói thầu số 9 là gói thầu xây dựng hầm chui trong đô thị (khoảng 600 m) ngay cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đã thông xe sớm hơn 3 tháng so với mốc thời gian hoàn thành dự kiến trước đây.
Cùng với các dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Tên Lửa, Tân Kỳ Tân Quý vào cuối năm nay, dự án này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đặc biệt là sau khi nhà ga hành khách T3 đi vào hoạt động.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa của dự án này; nêu rõ đây là một trong những công trình lớn của Thành phố, cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần tấn công, "chỉ bàn làm, không bàn lùi" của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đặc biệt là đã giải quyết những khó khăn, nan giải, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tướng cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng, nơi ở, nơi sinh kế cho dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thiết kế và hướng tuyến của dự án đã bảo đảm mục tiêu bảo vệ được nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa dọc tuyến; số lượng cây xanh được tăng cường với cảnh quan đẹp, trở thành tuyến đường hoa, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hộ dân phải giải tỏa toàn bộ phục vụ thi công dự án được bố trí tái định cư tại chỗ dọc theo tuyến đường mới với mục tiêu người dân sẽ có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đánh giá cao quyết tâm cao của TPHCM trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị TPHCM rút kinh nghiệm tốt từ dự án để cùng các cơ quan liên quan triển khai các dự án tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang triển khai, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (gồm đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị) theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, làm nền tảng để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Báo Chính phủ