MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng làm việc với các tập đoàn tỉ USD tại EU

Lãnh đạo Công ty Paul Wurth báo cáo với Thủ tướng về kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: NHẬT BẮC

Lãnh đạo Công ty Paul Wurth báo cáo với Thủ tướng về kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: NHẬT BẮC

Lãnh đạo các công ty lớn của Luxembourg trong lĩnh vực luyện kim gang thép, sản xuất thiết bị y tế, vận tải hàng không đã nêu ra những khó khăn, mong muốn đầu tư tại Việt Nam và được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề.

Chiều tối 9-12 theo giờ địa phương, trong chuyến thăm chính thức Luxembourg, sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các Công ty B-Medical Systems, Paul Wurth, và CargoLux.

Khuyến khích năng lượng tái tạo

Tại buổi tiếp, nhiều vấn đề mà lãnh đạo các doanh nghiệp của Luxembourg nêu ra đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam giải đáp, làm rõ để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

SMS (thành lập năm 1871) là tập đoàn lớn của Luxembourg cung cấp công nghệ luyện kim trên toàn cầu, có doanh thu khoảng 2,6 tỉ EUR vào năm 2021.

Trong đó, Paul Wurth (thành lập năm 1870) là công ty thành viên thuộc SMS chuyên cung cấp dịch vụ và công nghệ cao, hiện đại về thiết kế, chế tạo và lắp đặt các thiết bị và nhà máy luyện gang thép.

Tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhà cung ứng thép trong nước và hỗ trợ tăng cường năng lực tự động hóa điện tử trong ngành thép.

Tại buổi tiếp, công ty báo cáo kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh trong ngành gang thép theo định hướng phát triển xanh, sạch và thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh thành công, có hiệu quả của SMS/Paul Wurth trên thế giới và hoan nghênh đề xuất, kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Ông đề nghị doanh nghiệp này phát triển theo hướng giảm thiểu tác động môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, góp phần thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.

Theo đó, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thêm Việt Nam sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.

Hoan nghênh đầu tư y tế, logistics

Công ty B-Medical Systems (thành lập năm 1979) là tập đoàn lớn của Bỉ về công nghệ y tế, dược phẩm, có doanh thu hơn 555 triệu USD. Trong 10 năm qua, B-Medical đã lắp đặt hơn 4.000 kho lạnh vắc xin tại Việt Nam.

Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, B-Medical đã hỗ trợ đảm bảo vận chuyển, bảo quản vắc xin an toàn, kịp thời tại Việt Nam, với hơn 174 tủ bảo quản vắc xin sản xuất bởi B-Medical đã được sử dụng tại TP.HCM.

Lãnh đạo Tập đoàn B-Medical đề xuất tăng cường hợp tác với Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hỗ trợ Việt Nam về thiết bị kho lạnh trong công tác chuẩn bị, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.

Thủ tướng cho biết Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nhiều dịch bệnh, nên hoan nghênh các ý tưởng hợp tác của B-Medical cũng như các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin, phát triển công nghiệp dược, Việt Nam có các chính sách ưu đãi nhà đầu tư lĩnh vực này.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nếu có vướng mắc, có thể phản ánh lên các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, CargoLux (thành lập năm 1970) là tập đoàn của Luxembourg về vận tải hàng không và là một trong những hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất châu Âu với doanh thu 4,4 tỉ USD.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tập đoàn báo cáo thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề vướng mắc liên quan quy định kỹ thuật vận hành máy bay hạng nặng tại sân bay Tân Sơn Nhất…

Thủ tướng hoan nghênh việc mở nhiều tuyến bay đến Việt Nam để phát triển logistics, đây là ngành đang có nhu cầu lớn trong bối cảnh Việt Nam mở rộng giao lưu thương mại với thế giới.

Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan tích cực xem xét, giải quyết các vấn đề được đề cập. Trong đó, vấn đề quá tải đường băng tại Tân Sơn Nhất đã được chỉ đạo giải quyết và đang được tích cực triển khai.

Theo N.An

Tuổi trẻ

Trở lên trên