MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng mong muốn kết hợp “Made by Na Uy” và “Made in Việt Nam”

Chiều 24/5, giờ địa phương (đêm 24/5, giờ Việt Nam), tại Oslo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ các tập đoàn hàng đầu của Na Uy gồm Kongsberg, DVL-GL, Pharmaq, Vard, Juton, Scatec Solar…

Mở đầu cuộc gặp, bày tỏ vui mừng được gặp các tập đoàn lớn đã và sẽ làm ăn tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam coi trọng mọi thành phần kinh tế, coi trọng đầu tư nước ngoài, với môi trường đầu tư ngày càng cởi mở, đó là nguyên nhân để Việt Nam có sự tăng trưởng cao thời gian qua. Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp Na Uy sẽ tiếp tục đầu tư, làm ăn ở Việt Nam tốt như các tập đoàn có mặt hôm nay.

Là người đầu tiên đặt vấn đề, ông Morten Foyn, Giám đốc điều hành của Jotun cho biết, tập đoàn bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 25 năm trước và năm 1997, tập đoàn mở nhà máy sơn ở Bình Dương, hoạt động rất hiệu quả với tổng doanh thu 120 triệu USD. 

“Chúng tôi cảm thấy tập đoàn được chào đón ở Việt Nam và xin cảm ơn Việt Nam đã hoan nghênh chúng tôi”, ông nói. Hiện tập đoàn đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy nữa ở phía Nam TPHCM trong vòng 2 năm tới với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. 

“Chúng tôi thấy thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, rộng mở mặc dù còn có những thách thức, nhưng có thể nói cơ hội nhiều hơn thách thức. Vấn đề chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam giải quyết là tạo ra sân chơi công bằng, bình đẳng. Nếu có sân chơi bình đẳng như vậy, chúng tôi sẵn sàng đầu tư lớn hơn”.

“Lời đề nghị của ông rất chính đáng”, Thủ tướng nói. “Tạo sân chơi bình đẳng, công khai, minh bạch là vấn đề Chính phủ liêm chính, kiến tạo rất quan tâm”.

 Thủ tướng mong muốn kết hợp “Made by Na Uy” và “Made in Việt Nam” - Ảnh 1.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ông Morten Nordstad, Chủ tịch Pharmaq, tập đoàn hàng đầu thế giới về sức khỏe cá và vaccine, chuyên hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản cho biết, Tập đoàn có 2 văn phòng nghiên cứu và phát triển, một ở Oslo và văn phòng thứ 2 là ở Việt Nam. 

Mùa thu năm ngoái, vaccine thứ 2 của Pharmaq đã được Việt Nam cấp phép và 18 triệu con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được tiêm vaccine của tập đoàn. Ông cho biết, kế hoạch sắp tới của Pharmaq là sản xuất thêm nhiều vaccine cho cá tra, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho đội ngũ, kỹ thuật viên Việt Nam. Tập đoàn cũng dự định triển khai thêm phòng thí nghiệm chẩn đoán mới cho thủy sản của Việt Nam.

Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, ông Geir Haoy, CEO của Kongsberg Group nhìn nhận, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với mức tăng trưởng nhanh, ổn định. Ông bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy công nghệ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề cá, hợp tác kinh tế biển. 

“Tôi thấy chúng ta có cơ hội rất lớn đến từ đại dương, nơi 95% năng lượng sinh khối được sinh ra và đóng góp vào năng lượng tái tạo trong tương lai”. Hiện nay, chúng ta mới sử dụng 2% sinh khối đến từ đại dương, do đó, đây là dư địa mà cả Việt Nam và Na Uy có thể khai thác. 

Ông tin tưởng Việt Nam – Na Uy có thể hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng, phát triển đại dương bền vững thông qua việc lập bản đồ đại dương, nghiên cứu đáy biển, giám sát đáy biển, phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, nghề cá. Ông trông đợi Thủ tướng và đoàn Việt Nam đến thăm tập đoàn để tìm hiểu công nghệ cũng như các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Bày tỏ ấn tượng với ý kiến của CEO Kongsberg, Thủ tướng cho biết, kinh tế biển là một lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm. Thủ tướng đề nghị ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi thêm với doanh nghiệp về vấn đề này.

Theo ông Lê Quốc Doanh, ngoài việc nuôi trong đất liền, nuôi ở biển và khai thác trên biển là hướng quan trọng sắp tới của Việt Nam. Na Uy có công nghệ, thiết bị nuôi biển hàng đầu thế giới và hiện “chúng tôi đã được tiếp cận một vài dự án, cho hiệu quả rất cao”. Ông mong muốn các doanh nghiệp Na Uy vào đầu tư, hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển bền vững, đầu tư chuỗi giá trị thủy sản, cả nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Ông hoan nghênh tập đoàn Pharmaq đã phối hợp tốt với Bộ NNPTNT thời gian qua, bước đầu cho kết quả tốt và đề nghị tập đoàn đầu tư nhà máy ở Việt Nam để sản xuất vaccine cho thủy sản, một lĩnh vực giàu tiềm năng.

 Thủ tướng mong muốn kết hợp “Made by Na Uy” và “Made in Việt Nam” - Ảnh 2.

Ảnh VGP/Quang Hiếu


Ông Raymond Karlsen, CEO của Scatec Solar, tập đoàn vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy chiều 24/5, cho biết, Việt Nam hiện là một trong những nước đi đầu trong xu hướng sử dụng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo. 

Khoản đầu tư 500 triệu USD là vào dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời với công nghệ mới nhất. “Việt Nam có thể chứng kiến thành quả của hợp tác này ngay từ năm sau chứ không phải đợi đến 5 năm”, ông nói. 

Tập đoàn bày tỏ mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm để hỗ trợ cho Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao và tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo ra khu vực. Ông hy vọng Việt Nam sẽ có chính sách mới ưu đãi về thuế cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, khẳng định đã triển khai ngay thỏa thuận hợp tác trị giá 500 triệu USD với đối tác Việt Nam.

Hoan nghênh ý kiến của doanh nghiệp Na Uy, Thủ tướng đánh giá cao các tập đoàn với công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thiết bị, sản phẩm tại Việt Nam. Đó là sự kết hợp giữa nền kinh tế 5 triệu dân (Na Uy) với nền kinh tế gần 100 triệu dân có thị trường rộng lớn, là sự kết hợp “Made by Na Uy” và” Made in Việt Nam”.

Thủ tướng cho rằng những vấn đề thảo luận hôm nay rất thiết thực cho sự phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, “Việt Nam cảm ơn và hoan nghênh các bạn, tạo mọi điều kiện cho các bạn thành công”. Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp “lời nói đi đôi với hành động sớm”./.

Đức Tuân

Theo VGP

Trở lên trên