Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Có dân là có tất cả"
Vụ cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung là một trong những vấn đề được chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 4-2016 diễn ra ngày 4 và 5-5.
- 03-05-2016Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ cá chết tại miền Trung
- 02-05-2016Hàng trăm kiến nghị gửi Thủ tướng sẽ được giải đáp thế nào?
- 02-05-2016Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: rà soát hết, kể cả Formosa
- 02-05-2016Câu chuyện đằng sau vị lãnh đạo chịu khó đi cà phê với doanh nghiệp được Thủ tướng khen ngợi
- 01-05-2016Thủ tướng: 'Làm rõ ống xả thải của Formosa'
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, phiên họp diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-5 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2016; nghe báo cáo về việc xử lý sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở một số tỉnh ven biển miền Trung; Tờ trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế…
Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt
Nhấn mạnh phiên họp này có ý nghĩa đặc biệt khi Chính phủ vừa có 21 thành viên mới và Chính phủ khoá XIII còn khoảng 3 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ cần đồng tâm hiệp lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đã đề ra.
Thủ tướng nêu rõ ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn, chúng ta phải đối phó với rất nhiều vấn đề phát sinh như tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,46% so với 6,12%); lạm phát 4 tháng đã tăng 1,33% trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung…
Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như kỷ luật, kỷ cương còn lơi lỏng; còn tình trạng sử dụng nhiều biện pháp mang tính hành chính, ít tính thị trường; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nặng nề; việc xây dựng thể chế còn bất cập…
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về một số biện pháp với tinh thần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 5%.
“Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nêu rõ và đặt vấn đề: "Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?".
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là người yếm thế trong xã hội.
“Có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: “Phải chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân; phải nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phân tích nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo đó, năm 2015, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi khá rõ nét, với GDP tăng nhanh sau từng Quý và Quý 4 tăng tới 7,01%. Nhưng sang Quý I năm 2016, GDP chỉ tăng 5,46%, thấp hơn 1,55 điểm % so với tốc độ tăng của Quý IV năm 2015.
Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp chế biến, được dự báo là ngành phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tình hình thiên tai (rét hại, băng giá ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng Quý I-2016 âm (-) 1,23%; riêng nông nghiệp (chiếm trên 70% giá trị tăng thêm khu vực I) giảm tới 2,69%.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26-4, diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, thủy sản bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn là 429,2 nghìn ha; ước tổng thiệt hại khoảng 8.116 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản và hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch biển.
Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 1,7% so với tháng trước và 4 tháng đầu năm chỉ tăng 7,3%, thấp hơn 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, do công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (-) 1,7% và sự giảm sút của tốc độ tăng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 9,6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4-2016 đều giảm so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%, thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%; trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.
Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nước ta là giá xuất khẩu giảm (dầu thô, cà phê, cao su,…) và khả năng cạnh tranh yếu kém. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, cũng là mức thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu trong thời gian tới…
V.V.THÀNH