Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Trở lại đỉnh vinh quang từ vũng lầy, làm nên lịch sử sau khi mất tất cả
Thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu ngày 22/10 đưa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cơ hội trở thành nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Nhật Bản dù ông từng phải từ chức Thủ tướng vì những bê bối với đảng Dân chủ Tự do của mình.
Người Nhật Bản có câu "những giọt nước sẽ khoan thủng hòn đá", cách nói ví von cho những nỗ lực liên tiếp sẽ mang đến những thành tựu to lớn. Câu nói này dường như rất chính xác khi dành cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đang đứng trước cơ hội trở thành nhà lãnh đạo lâu nhất trong lịch sử chính trường Nhật Bản. Từng có tất cả nhưng rồi tuột mất, ông Abe đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi đứng lên từ nơi vấp ngã và đi vào lịch sử chính trường Nhật Bản.
Cho đến năm 2006, cuộc sống của ông Shinzo Abe dường như vẫn rất thuận lợi. Shinzo Abe sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống chính trị với ông nội và ông chú đều làm thủ tướng Nhật Bản trong khi cha là Bộ trưởng Ngoại giao. Năm 1977, Abe tốt nghiệp Đại học Seikei ở Tokyo và tiếp tục theo học ở Đại học Nam California, Mỹ với chuyên ngành khoa học chính trị.
Trở về Nhật Bản năm 1979, ông Abe làm việc cho Tổng công ty thép Kobe. Ba năm sau, ông bắt đầu bước chân vào chính trường Nhật Bản với tư cách trợ lý của cha. Sự nghiệp của ông Abe tiếp tục được "trải thảm" với các cấp bậc cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trước khi trở thành lãnh đạo của đảng. Năm 1987, ông kết hôn với bà Akie Matsuzaki nhưng hai vợ chồng không có con.
Là thành viên của LDP, năm 1993, chính trị gia đầy tham vọng Shinzo Abe được bầu vào Hạ viện Nhật Bản, nơi ông trở nên nổi tiếng vì lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Trong những năm tiếp theo, ông giữ nhiều chức vụ trong chính phủ và trở thành Thủ tướng Nhật Bản năm 2006. Khi đắc cử, ông Abe là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản trong hơn 60 năm và cũng là Thủ tướng đầu tiên được sinh ra sau Thế chiến II.
Là người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Abe kêu gọi các cử tri xây dựng một ý thức hệ về phẩm giá quốc gia. Sau khi nắm quyền, ông Abe đưa ra dự luật nhằm kêu gọi sửa đổi bản Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Ông cũng khích lệ lòng tự hào dân tộc của người Nhật và ủng hộ đạo luật yêu cầu giảng dạy về lòng yêu nước trong trường học.
Tuy nhiên, chuỗi thời gian nắm quyền của ông Abe không kéo dài. Gần như ngay lập tức sau cuộc bầu cử, một số bê bối làm rung chuyển đảng LDP cầm quyền. Năm 2007 được mô tả là thời kỳ khủng hoảng đỉnh điểm với một bộ trưởng tự tử và hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong chính phủ từ chức. Không lâu sau, ông Abe cũng rời ghế Thủ tướng với lý do sức khỏe.
Nhắc đến sự kiện này, tờ Washington Post mô tả: "Ở thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời, ông Abe mất cả sức khỏe và danh tiếng. Ông ấy chỉ có cơ hội lãnh đạo nước Nhật trong 366 ngày. Thậm chí, ông ấy còn bị nhạo báng trước công chúng. Đỉnh điểm của sự ê chề mà ông Abe phải chịu có lẽ là khi ông đi máy bay, một hành khách ngồi cùng hàng đã yêu cầu đổi chỗ".
Tuy nhiên, những điều đó không khiến ông Abe từ bỏ sự nghiệp chính trị. Trong vòng vài năm sau đó, ông lại được bầu làm thủ tướng Nhật Bản với chiến thắng vang dội. Tạp chí Time cũng bầu chọn ông Abe là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2014. Trên trang bìa tờ Economist, Thủ tướng Shinzo Abe được mô tả như một "siêu nhân chính trị".
Những gì ông Abe làm được là vô cùng hiếm hoi trên chính trường, đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi sự hổ thẹn có thể giết chết một con người. Trong cuộc phỏng vấn với Foreign Affairs, Thủ tướng Shinzo Abe đã chia sẻ những điều ông học được từ giai đoạn khó khăn này.
"Trong lần làm thủ tướng trước, tôi không dành ưu tiên cho chương trình nghị sự của mình. Tôi háo hức hoàn thành mọi việc ngay lập tức và kết quả là chính quyền của tôi sụp đổ trong sự thất bại. Sau khi từ chức, tôi dành 6 năm đi khắp đất nước để làm một việc đơn giản là lắng nghe. Ở đâu tôi cũng nghe thấy người dân than vãn về tình trạng mất việc làm do giảm phát kéo dài và tiền tệ mất giá. Người ta còn chẳng hy vọng gì vào tương lai. Vì thế, chính phủ mới của tôi sẽ ưu tiên loại bỏ giảm phát và xoay quanh nền kinh tế Nhật Bản", ông Abe nói.
Tờ Wall Street Journal cũng nhắc tới ông Abe sau khi trở lại thành lãnh đạo LDP 5 năm sau cuộc khủng hoảng tưởng như không có lối thoát. Tờ báo Mỹ mô tả đây là sự trở lại tuyệt vời trên chính trường Nhật Bản trong bối cảnh quốc gia này ngày càng tụt hậu so với Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi toàn cầu.
"Abe đã lấy lại sự phục hồi trong chính trị không giống với bất cứ ai ở đất nước Mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II. Ông trở lại từ sự tủi hổ với thông điệp mới và sự cộng hưởng về một nước Nhật mạnh mẽ hơn. Nhật Bản của ông Abe đang mang trong mình cả sự tự tin và mâu thuẫn, chịu nhiều chấn động của tình trạng giảm phát kéo dài trong khi đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ", Washington Post viết.
Khi ông Abe trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản tháng 12/2012, nước Nhật đang đau đầu với những vấn đề về kinh tế trong hơn 1 thập kỷ qua. Ưu tiên cao nhất của ông Abe là thực hiện những cam kết trong quá trình tranh cử được gọi với cái tên ngắn gọn là Abenomics. Kế hoạch này bao gồm 3 điểm chính là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
Dù có nhiều tranh cãi xung quanh Abenomics nhưng đến thời điểm hiện tại, rõ ràng chương trình này đã mang về những hiệu quả với nước Nhật. Thủ tướng Abe đã đạt được những kỷ lục về kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, đồng yên yếu thúc đẩy xuất khẩu. Chỉ số Topix đang đạt đỉnh trong 10 năm trong khi chỉ số Nikkei 225 cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1996.
Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những áp lực. Dù dành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện sớm ngày 22/10/2017 nhưng Thủ tướng Abe vẫn phải đối mặt với áp lực từ nợ công, tăng lương và cải tổ thị trường lao động để bù đắp cho lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng.
Nếu giành 2/3 trong tổng số 465 ghế Hạ viện, Chính quyền Abe sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc thông qua các chính sách tiền tệ thuận lợi để kích thích kinh tế và tiền tệ, giúp nền kinh tế thứ 2 châu Á tiếp tục phát triển. Thậm chí, những đề xuất của ông Abe về thay đổi Hiến pháp hòa bình, làm rõ vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cũng có thể được thông qua.
Là bên thất bại trong Thế chiến II, Nhật Bản hiện không được duy trì quân đội ngoài lực lượng nhỏ để tự vệ. Hiện tại, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh và quốc phòng của Nhật Bản là quân đội Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Abe, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang ngày càng có vai trò lớn hơn.