Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cắt giảm xin – cho, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục, giảm xin – cho, giảm chi phí tuân thủ, chống sách nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
- 25-09-2023Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Brazil vượt khoảng cách địa lý, tăng cường đầu tư tại Việt Nam
- 24-09-2023Thủ tướng đề nghị Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer mở rộng hoạt động tại Việt Nam
- 23-09-2023Thủ tướng đề xuất 5 nhóm giải pháp trước những yếu tố khủng hoảng trên thế giới
Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ sẽ cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Chính phủ đã tập trung, dành nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều đổi mới để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững. Kết quả bước đầu là tương đối tích cực, với mục tiêu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Thủ tướng, các nội dung của phiên họp đều là những nội dung quan trọng. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, trình bày tờ trình, báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục, giảm xin – cho, giảm chi phí tuân thủ, chống sách nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó thực hiện phân cấp, phân quyền đi cùng phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Về đề nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, theo báo cáo của cơ quan chức năng, qua 5 năm thực hiện đã phát sinh một số bất cập. Một số quy định trong luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế. Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ , vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm …) gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, xảy ra một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về lĩnh vực này trong giai đoạn hiện nay thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Với Luật Quảng cáo , theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau hơn 10 năm triển khai thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, việc quản lý nội dung, hình thức quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, gây ra ý kiến trái chiều trong bối cảnh sự phát triển đa dạng của nội dung, hình thức quảng cáo… Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc sửa đổi Luật Quảng cáo là hết sức cần thiết.
Tiền phong