Thủ tướng: Sắp tới sẽ triển khai một số công trình hạ tầng quan trọng
Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019.
Phát biểu khai mạc phiên họp, dù đánh kinh tế xã hội chuyển biến tích cực, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại tình trạng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, đồng thời nhắc nhở một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên – Môi trường. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ quyết liệt giải quyết vấn đề này và sắp tới sẽ khởi công một số công trình hạ tầng quan trọng.
Phiên họp này tập trung vào một số nội dung như đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng; vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và nhiều nội dung khác.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP)
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số việc quan trọng của đất nước trong tháng 7, đó là cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Ngành giáo dục và các cấp ủy chính quyền đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển cao đẳng đại học khá thành công, nề nếp hơn, chất lượng hơn so với kỳ thi năm trước. Từ hôm nay, 4 ngân hàng thương mại lớn đều giảm lãi suất cho vay, góp phần giảm chi phí sản xuất cho hoạt động sản xuất kinh doanh (BIDV, VCB, Agribank, VietinBank đều công bố từ 1/8 sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm, thấp hơn 1,0%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Bên cạnh đó, các tổ chức uy tín quốc tế đánh giá tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, HSBC dự báo tăng 6,7%... Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh các nước lớn trong khu vực và thế giới đang có xu hướng tăng trưởng thấp.
Bên cạnh đó, Chỉ số phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp 54/162, đứng thứ 2 trong ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 nước, đứng thứ 3 trong ASEAN.
Thủ tướng cũng đánh giá cao báo chí đã phản biện những thông tin sai trái, xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt việc phản biện này.
Về kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng, Thủ tướng cho biết tình hình chung là tích cực, vĩ mô ổn định, các ngành, các lĩnh vực tiếp tục phát triển tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18%, bình quân 7 tháng chỉ tăng 2,61%, thấp nhất 3 năm gần đây. Xuất khẩu tăng tốt, nhất là khu vực trong nước tăng trưởng cao hơn so với nước ngoài, góp phần xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân cao. Gần 80 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trên 24 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Khu vực nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tăng đàn bò, gà, góp phần bù đắp thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi.
Nhiều điểm du lịch trong nước đã được quốc tế bình chọn, xếp hạng là điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới, như Hà Nội là địa điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới; Hội An là Thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019...
Thủ tướng cũng nêu thông tin mừng đó là phong trào hạn chế sử dụng rác thải nhựa đang được triển khai rộng rãi trên cả nước và đạt được kết quả tích cực khi nhiều địa phương, nhiều tổ chức, cơ quan đã thực hiện tốt phong trào này.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu nhiều khó khăn đối với nền kinh tế, trong đó, sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, bão số 3 sắp đổ bộ vào bờ với cường độ ngày càng cao hơn, ảnh hưởng lớn đến khu vực Bắc bộ. Nắng nóng gay gắt kéo dài ở khu vực miền Trung – Tây nguyên. Đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành làm đàn lợn giảm rất lớn.
Thủ tướng cũng lưu ý, tăng trưởng kinh tế thế giới khó khăn, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn, dẫn đến thương mại cũng giảm theo, trong đó có thị trường Trung Quốc, một thị trường lớn nhất hiện nay của Việt Nam, chỉ tăng 1%. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nông sản là thế mạnh xuất khẩu của nước ta giảm, trong đó có mặt hàng cá tra.
Trước bối cảnh một số công trình quan trọng của đất nước đang chậm tiến độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Chúng tôi đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt, cụ thể, nhưng còn nhiều công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ. Chính vì thế cần tiếp tục thúc đẩy giải quyết. Một số bộ trưởng đã có chương trình báo cáo Chính phủ như Bộ Giao thông vận tải, xử lý một số công trình quan trọng như tuyến đường Sài Gòn-Trung Lương; Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ. Khó khăn như vậy nhưng chúng ta vẫn khẳng định quyết tâm dồn sức để làm con đường này, vì chúng ta đã hứa với đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa làm được, để cuối năm 2020 thông xe và năm 2021 khánh thành. Sắp tới đây sẽ làm sân bay Long Thành và một số công trình. Dự kiến 2/9 sẽ triển khai gói cao tốc ở khu vực Quảng Trị".
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 7. |
Trong cải cách hành chính, Thủ tướng cho rằng vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản, trong đó có việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch. |
Mặc dù đánh giá kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, song Thủ tướng cho rằng, các rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà các tổ chức quốc tế cảnh báo như sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến khó lường. Những rủi ro này có tác động đối với thương mại, đầu tư và áp lực lạm phát của nước ta.
Trong khi đó, nội tại nền kinh tế, Thủ tướng nêu áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu trong năm 2019, nhất là lạm phát tâm lý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng song không tích cực như cùng kỳ năm 2018. Sự sẵn sàng đón dòng đầu tư mới, công nghệ cao còn chậm trễ. Trong khi đó giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%. Nêu lên thực tế này, Thủ tướng cho biết, sẽ công bố từng bộ, địa phương chậm trễ trong giải ngân tại phiên họp lần sau.
Thủ tướng cũng nêu tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ cần xử lý nghiêm, trong đó có hành vi lợi dụng “Made in Việt Nam” mà không phải hàng Việt Nam. Cùng với việc đề nghị triển khai tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khi Hải quan đã phát hiện nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng trên sản phẩm bao bì có sẵn nhãn “Made in Việt Nam”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo: "Chúng ta quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu năm 2019. Tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Chúng ta đã có Nghị quyết của Chính phủ với nhiệm vụ cụ thể những tháng đầu năm khá đầy đủ. Tôi đề nghị các thành viên Chính phủ bám sát để triển khai. Tinh thần là càng khó khăn, ý chí vượt khó, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020".
Thủ tướng cũng lưu ý, có tâm lý sợ rủi ro của người ra quyết định phê duyệt dẫn đến cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ khi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chờ đợi. Tình trạng này đang làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo, cần rà soát lại các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở; cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính (Fintech), thanh toán điện tử, mô hình kinh doanh mới.
Trong vấn đề thương mại, Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, đưa ra giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ hiệu lực và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, nhất là CPTPP, EVFTA.... Cùng với đó là tập trung phát triển thị trường trong nước.
Về tái cơ cấu kinh tế, thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ không nhiều, chỉ còn hơn 1 năm, do đó, việc xử lý những bất cập yếu kém của nền kinh tế cần phải tăng tốc hơn ở các bộ, ngành, địa phương.
Cho rằng đầu tư công tăng chậm đang làm mất đi một động lực cho tăng trưởng ngắn hạn, cũng như khai thông ách tắc cơ sở hạ tầng cho trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công.
VOV