Thủ tướng: Tầm nhìn quy hoạch của Quảng Ninh sẽ không chỉ dừng ở bất động sản
"Tôi nhớ một buổi chiều cách đây khoảng 10 năm, tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là Hạ Long phải lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm. Phải phát triển du lịch, dịch vụ để tạo ra nguồn thu bền vững, chứ không chỉ phát triển bất động sản", Thủ tướng chia sẻ.
- 26-01-2022Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13, thưởng Tết cho người lao động và cách tính lương tháng 13 như thế nào?
- 26-01-2022Không đổi CCCD gắn chip bị phạt, cần phải làm gì khi đã đổi nhưng chưa nhận được?
- 26-01-2022Xếp trên cả CEO Coca-Cola, LG, Nestlé..., Thiếu tướng Lê Đăng Dũng vào top 150 lãnh đạo hàng đầu thế giới về thương hiệu
Sáng ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), tuyến đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả (giai đoạn 1). Đồng thời, Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã đi thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.
Được biết, cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu) nằm trong hệ thống các cầu bắc qua vịnh Cửa Lục. Đây là cây cầu có 6 làn xe đầu tiên của Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Còn dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có tổng chiều dài 18,7 km, thiết kế 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Điểm nhấn tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả là hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh và là một trong những hầm xuyên núi có nền đường lớn ở Việt Nam. Đường hầm xuyên núi dài 235 m, gồm 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, được coi là phần việc khó nhất của dự án đường này.
Đây là 2 km dự án trọng điểm do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư và Tập đoàn Đèo Cả (trong đó có các đơn vị thành viên là HHV) là tổng thầu thi công tại cầu Tình Yêu và thực hiện gói thầu hầm tại dự án hầm Bao biển.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng đã chỉ ra 8 ý nghĩa quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh. Trước hết, địa phương đã góp phần thực hiện và chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối rất lớn của Đảng về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông.
Thứ hai, tỉnh đã phát triển hạ tầng giao thông để góp phần phát triển nhanh, bền vững, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Thứ ba, Quảng Ninh đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp lại các đơn vị hành chính để tạo không gian phát triển mới.
"Tôi nhớ một buổi chiều cách đây khoảng 10 năm, khi trao đổi với KTS Salvador Perez Arroyo (Tây Ban Nha) về quy hoạch Hạ Long, tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là Hạ Long phải lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm phát triển, Hạ Long gắn với Hoành Bồ và sẽ xây dựng các cây cầu từ Hạ Long sang Hoành Bồ, tạo không gian phát triển mới", Thủ tướng chia sẻ về tầm nhìn quy hoạch của Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng 10 năm về trước.
"Phải phát triển du lịch, dịch vụ để tạo ra nguồn thu bền vững, chứ không chỉ phát triển bất động sản", Thủ tướng nói thêm.
Thứ tư, việc tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng "Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá" đã chứng minh là hướng đi đúng và dần được hiện thực hóa, gắn kết chặt chẽ với cả vùng, tạo sự phát triển rất nhanh. Từ đó, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành các cực tăng trưởng mới.
Thứ năm, các dự án hạ tầng giao thông giúp đẩy mạnh kết nối vùng, liên kết Quảng Ninh với các địa phương vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng.
"Chúng ta cũng đang đẩy mạnh triển khai tuyến đường ven biển để kết nối suốt từ Thanh Hóa tới Móng Cái, Quảng Ninh, tạo động lực phát triển mới cho khu vực", Thủ tướng cho hay.
Thứ sáu, khi hệ thống hạ tầng giao thông, điện… được hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
"Tại sao ta giải phóng mặt bằng nhanh, như giải phóng mặt bằng cho sân bay Vân Đồn chỉ có mấy tháng? Tại sao chúng ta sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ nhanh như vậy? Bởi các dự án của chúng ta là dự án của lòng dân, mang lại ý nghĩa cho họ, nên người dân đồng tình, ủng hộ, vào cuộc", Thủ tướng phân tích.
Thứ bảy, các dự án chứng minh tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Đồng thời chứng minh bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, thống nhất của lãnh đạo địa phương.
Thứ tám, chứng minh việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa địa phương và Trung ương; sự phối hợp giữa địa phương và các nhà thầu như Đèo Cả cũng rất quan trọng để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
"Từ đó, chúng ta thấy sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, quyết tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp. Chúng ta phải thấy ý nghĩa to lớn như vậy để chúng ta tiếp tục làm các công trình khác. Những việc chúng ta đã làm được là khó khăn hơn những việc sắp làm, mong các đồng chí tiếp tục làm những công trình có tầm vóc lớn hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.