Thủ tướng: Tháo gỡ không đến nơi đến chốn, chưa đúng chỗ thì nông nghiệp khó phát triển
Con số 40,02 tỷ USD xuất khẩu nông nghiệp năm 2018 là một kỷ lục, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi, năm nay sẽ hơn bao nhiêu và chủ trương, biện pháp nào để tạo được phần hơn đó.
- 02-01-2019Nền nông nghiệp Việt Nam một năm trỗi dậy
- 02-12-2018Ngành Nông nghiệp xuất siêu 7,45 tỷ USD trong 11 tháng
- 29-11-2018Nông nghiệp Việt Nam học được gì từ Trung Quốc ?
Sáng 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng đã nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc "năm 2019 phải hơn năm 2018". Theo đó, Thủ tướng cho rằng, năm ngoái xuất khẩu nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn đó?
Thủ tướng đặt vấn đề nút thắt trong ngành nông nghiệp hiện nay là gì, ngoài nút thắt về đất đai thì còn nút thắt nào cần thảo luận tại Hội nghị hôm nay?
"Nhiều khi chúng ta tháo gỡ nhưng tháo gỡ không đến nơi đến chốn, chưa đúng chỗ thì nông nghiệp khó phát triển", ông nói.
Thủ tướng mong muốn sẽ có thêm nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp đối với những vấn đề thuộc quản lý ngành nông nghiệp như giống, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, "để bà con yên tâm chất lượng tốt, giá cả tốt, không có phân bón giả, giống giả…", bởi ông cho rằng đây là khâu rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng nông sản.
Một vấn đề khác của ngành nông nghiệp là sự phối hợp với các ngành khác. Thủ tướng đặt câu hỏi: "Ai làm thị trường, ai làm chất lượng, trách nhiệm làm sao?" và lưu ý cần xem xét vấn đề nảy sinh đối với ngành nông nghiệp khi chúng ta tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do như CPTPP hay EVFTA.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gỡ nút thắt cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ xử lý vấn đề làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn, đời sống nâng lên, nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mà điều quan trọng là hướng vào xuất khẩu, nâng kim ngạch hơn so với năm 2018, một mục tiêu rất khó khi con số hiện nay đã ở mức cao.
Trong năm 2018, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76%, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng hơn 12% so với 2017. Đến nay, cả nước có hơn 9.200 doanh nghiệp nông nghiệp.
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD. Tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã nhận định đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng khi mà còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục như quy mô hộ sản xuất nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; liên kết giữa vùng nguyên liệu của nông dân với doanh nghiệp, với hợp tác xã còn ít, thiếu chặt chẽ; chất lượng tăng trưởng chưa cao; thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro…