MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng và nội các từ chức, kịch bản nào cho Malaysia?

17-08-2021 - 11:43 AM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và nội các ngày 16/8 đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương Sultan Abdullah Ahmad Shah, sau nhiều tháng bất ổn chính trị khiến ông đánh mất đa số ủng hộ.

Ông Muhyiddin sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi một nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm. Tuy nhiên, chưa rõ ứng cử viên tiềm năng nào sẽ là người kế nhiệm cho vị trí này.

Hiện chưa rõ ai sẽ là người đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo của Malaysia khi không có một đảng nào giữ thế đa số áp đảo tại Quốc hội, quyền quyết định được cho là sẽ thuộc về Quốc vương Sultan Abdullah Ahmad Shah.

Dưới đây là các kịch bản có thể xảy ra cho chính trường Malaysia sau khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin và Nội các từ chức .

Chính phủ lâm thời

Quốc vương Sultan Abdullah Ahmad Shah có thể bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời trong số các nghị sĩ hiện nay của đất nước, trong đó có cả ông Muhyiddin, cho đến khi tìm được tân thủ tướng.

Malaysia là một quốc gia quân chủ lập hiến và Quốc vương có thể bổ nhiệm thủ tướng trong số các nghị sĩ được bầu dựa trên sự đánh giá của ông về khả năng nắm đa số của người này.

Tổ chức bầu cử

Ông Muhyiddin có thể đưa ra lời khuyên cho Quốc vương về việc giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Tuy nhiên, bầu cử khó có thể diễn ra trong thời gian ngắn vì Malaysia đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong tăng cao trong những ngày gần đây.

Một cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ chưa thể diễn ra cho đến năm 2023.

Quốc vương lựa chọn tân thủ tướng

Khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức vào năm 2020 lúc mới trải qua 2 năm đầu trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc vương Abdullah, trong một động thái chưa từng có, đã gặp mặt tất cả 222 nghị sĩ để xem xét ai là người có được đa số ủng hộ để đứng ra thành lập chính phủ mới.

Cuối cùng, Quốc vương đã chọn ông Muhyiddin, người khi ấy có sự hậu thuẫn của các đảng phái chính trị thuộc phe đối lập.

Trong bối cảnh hiện tại, Quốc vương Abdullah có thể lặp lại kịch bản này.

Dưới đây là những ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng hoặc thủ tướng lâm thời:

Phó thủ tướng Ismail Sabri Yaakob

Là một trong những quan chức chủ chốt xử lý đại dịch Covid-19 tại Malaysia, ông Ismail Sabri đã được bổ nhiệm làm phó thủ tướng vào tháng 7. Động thái này được cho là nỗ lực của ông Muhyiddin nhằm xoa dịu căng thẳng với đảng đồng minh quan trọng nhất - đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO).

Ông Sabri Yaakob có thể nhận được sự ủng hộ của đa số trong liên minh của ông Muhyiddin, với sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sĩ. Tuy nhiên, không rõ liệu ông Yaakob có nhận được sự ủng hộ của tất cả các nghị sĩ đảng UMNO hay không.

Tờ The Star của Malaysia đưa tin rằng, đã có những nỗ lực mạnh mẽ để thu thập các tuyên bố hợp pháp có chữ ký của các nghị sĩ khác nhau ủng hộ ông Ismail Sabri làm thủ tướng.

Nhà lập pháp kỳ cựu Tengku Razaleigh Hamzah

Ông Tengku Razaleigh Hamzah, một nhà lập pháp trong 47 năm, từng giữ nhiều cương vị cấp bộ khác nhau trong sự nghiệp chính trị. Ông Hamzah là Chủ tịch Sáng lập Công ty dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia.

Nhà lập pháp 84 tuổi, người cũng thuộc đảng UMNO, được coi là ứng cử viên thỏa hiệp giữa các phe phái khác nhau trong đảng UMNO. Sự ủng hộ của đảng UMNO chính là chìa khóa cho sự hình thành của bất kỳ chính phủ mới nào tại Malaysia.

Lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim

Anwar Ibrahim đã nhiều lần chạy đua cho vị trí Thủ tướng Malaysia, nhưng cho đến nay ông vẫn chưa cho thấy khả năng lãnh đạo đa số trong Quốc hội.

Liên minh Pakatan Harapan của ông Anwar có 88 nghị sĩ, thiếu khá nhiều so với một đa số cần thiết để thành lập một chính phủ mới.

Đối thủ của ông Ibrahim, Tun Dr Mahathir, và một số nhà lập pháp đối lập khác cũng không ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập trở thành thủ tướng.

Hội đồng Hoạt động Quốc gia

Cựu Thủ tướng Mahathir đã đề xuất thành lập Mageran, một hội đồng lưỡng đảng sẽ điều hành đất nước cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.

Ông Mahathir đề nghị đứng đầu hội đồng này.

Một hội đồng tương tự đã điều hành Malaysia trong 2 năm kể từ tháng 5/1969 sau những cuộc bạo động sắc tộc tại nước này.


Theo CTV Mai Trang

VOV

Trở lên trên