MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: “Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Sau khi nghe những kiến nghị, tham vấn chính sách phát triển từ các đại diện tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Châu Á (ADB)… Thủ tướng đã bày tỏ thái độ trân trọng đối với các ý kiến đóng góp.

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ… Đây là những điều đã được nêu rõ trong phát biểu nhậm chức của ông và đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 ban hành trong năm hay nhiều động thái khác... Và trong thời gian tới, những mục tiêu này sẽ được thực hiện, hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng cũng cho biết, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đầu tiên. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,3%, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, thu ngân sách tăng, mặt bằng lãi suất giảm, thị trường ngoại tế, vàng cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Về thương mại, trong năm 2016, Việt Nam vẫn giữ được đà xuất siêu khi xuất khẩu tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP (vốn FDI thực hiện đạt gần 15 tỷ USD). An sinh xã hội được bảo đảm; chính trị, xã hội ổn định, và lần đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập năm 2016.

"Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% giai đoạn 2016-2020", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dù vậy, Thủ tướng vẫn chỉ rõ những mặt khó của kinh tế Việt Nam. Đó là tăng trưởng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đặt trong bối cảnh bất ổn, khó lường của kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt trong khi đó năng lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa kể, trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến khu vực nông nghiệp. Xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; nợ công tăng nhanh, sức ép trả nợ lớn, trong khi Chính phủ cần có nhiều nguồn lực để cải cách cơ cấu (tái cơ cấu) sâu rộng, tạo động lực mới cho phát triển.

Do đó, Thủ tướng đã đưa ra 8 giải pháp trọng tâm trong kế hoạch 2016 - 2020 nhằm thực hiện chính sách tăng trưởng bền vững, đảm bảo lợi ích xã hội mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là tập trung cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Thông qua đó để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đưa phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng cũng khẳng định nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017.

"Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh - coi đây là một trọng tâm của năm 2017. Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán, phá sản theo quy định của pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với vấn đề nợ công, Thủ tướng cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên