MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng vừa từ chức, Italy sẽ ra khỏi Eurozone?

05-12-2016 - 10:22 AM | Tài chính quốc tế

Vừa mới trải qua 2 cuộc khủng hoảng dân chủ ở Anh và Mỹ, nhà đầu tư lại phải tiếp tục lo lắng về tương lai của nước Italy trong liên minh tiền tệ Euro.

Quyết định từ chức của Thủ tướng Matteo Renzi vào ngày hôm qua (theo giờ địa phương) nhiều khả năng ảnh hưởng đến nền chính trị dễ bị tổn thương của đất nước hình chiếc ủng này. Tuy nhiên, việc kéo Ý ra khỏi khu vực đồng tiền chung không có vẻ như là một thảm họa sắp xảy ra bởi nó sẽ yêu cầu sự ủng hộ chính trị giữa các đảng, cũng như là quá trình lập pháp.

1.Tại sao thị trường lại lo lắng?

Thất bại của Thủ tướng Renzi – người ủng hộ sửa đổi Hiến pháp – có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm và sự nổi dậy nhằm ủng hộ đảng Phong trào 5 sao đi theo đường lối dân túy và nói “Không” với sửa đổi Hiến pháp. Nhiều nhà đầu tư đã thực sự nói về một sự kết thúc của EU, không chỉ là khu vực đồng tiền chung euro.

“Chúng tôi nghĩ là EU sẽ tan vỡ và Italy sẽ rời khu vực đồng tiền chung euro”, Jim Smigiel – một quản lý tiền tệ tại SEI Investments Co. nhận định. “Chỉ mới đây thôi, người ta vẫn không thể tưởng tượng nổi điều đó bởi nó thật vô lý, nhưng bánh xe đã bắt đầu lăn bánh”.

2.Lập trường chính trị của Đảng Phong trào 5 sao là gì?

Kể từ giữa năm 2016, Phong trào 5 sao – đảng đối lập lớn nhất Italy – đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục tham gia khu vực đồng tiền chung euro hay không. Phó chủ tịch đảng Phong trào 5 sao – ông Luigi Di Maio đã tuyên bố rằng, nếu được lên nắm quyền, đảng này sẽ thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về đồng euro. Di Maio không nói rõ loại tiền tệ ông muốn thay thế là gì. Trả lời phỏng vấn tờ Repubblica, ông tỏ ra ưa thích “một đồng euro-2 hoặc đồng tiền riêng của quốc gia”.

3.Tại sao nhà đầu tư đang lo lắng thái quá?

Bởi sự ra đi của đồng euro sẽ mất nhiều thời gian và cần phải trải qua nhiều cuộc đàm phán. Cũng giống như khi Anh thực hiện Điều 50, đó không phải là một con đường thẳng tắp như chúng ta tưởng tượng. “Ý tưởng Italy sẽ rời khỏi khu vực đồng euro ngay sau khi tiến hành trưng cầu dân ý hoặc cho dù một thời gian ngắn sau đó là phóng đại quá mức”, Antonio Villafranca – một nhà phân tích châu Âu tại Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy nhận định.

"Thậm chí, nếu có bầu cử sớm sau khi Thủ tướng Renzi từ chức, cơ hội để Phong trào 5 sao nắm quyền lực sẽ bị phụ thuộc vào hệ thống đại cử tri. Chiến thắng một cuộc bầu cử là không thể đủ bởi sau khi lên nắm quyền, đảng này sẽ cần phải tìm đủ số đồng minh cần thiết để thành lập một đa số nghị viện (Hạ viện)”, Villafranca cho biết. Cuối cùng, tồn tại một số rào cản pháp luật để rời khỏi EU.

4. Rào cản pháp luật đó là gì?

Hiến pháp Italy cấm việc bãi bỏ các thỏa thuận, hiệp định quốc tế thông qua phiếu bầu phổ thông, do đó cần phải sửa đổi hiến pháp trước khi kêu gọi trưng cầu dân ý. Điều này có thể yêu cầu 2/3 phiếu đa số tại lưỡng viện, và cũng có thể là một cuộc trưng cầu dân ý khác để làm sáng tỏ về việc có tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khu vực đồng tiền chung euro hay không. Và thậm chí nếu người Italy bỏ phiếu “Có” cho việc bỏ đồng euro, kết quả có thể vẫn sẽ bị Tòa án tối cao Italy ngăn chặn.

5.Thị trường sẽ phản ứng với như thế nào?

Theo giới phân tich của JPMorgan Chase, chỉ cần ý muốn chính trị thôi cũng đủ để hứng chịu phản ứng từ thị trường. “Mọi biến động đáng tin về một thành viên ra đi khỏi khu vực đồng tiền chung euro đều có thể làm biến động dòng vốn và gây nên bất ổn thị trường, do đó áp lực thị trường sẽ buộc các đảng vận động rời eurozone phải nhanh chóng rà soát lại kế hoạch”, chuyên gia kinh tế tại London – Gianluca Salford và Marco Protopapa nói trong một báo cáo.

Bằng chứng có thể thấy là, bên cạnh việc đồng euro giảm hơn 3% trong tháng này, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015, lợi suất trái phiếu 10 năm tăng lên hơn 2% lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua cũng cho thấy rủi ro đối với kinh tế Italy đang tăng cao.

6.Người dân Italy có muốn rời khu vực đồng tiền chung euro hay không?

Hầu như là không. Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Cơ quan nghiên cứu truyền thông cộng đồng và Intesa Sanpaolo SpA, công bố vào ngày 21/11 bởi La Stampa cho thấy, chỉ có 15,2% người dân mong muốn rời khu vực đồng euro, trong khi 67,4% tuyên bố họ là những người ủng hộ khu vực đồng tiền chung thực thụ.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên