Thủ tướng yêu cầu bộ ngành sửa loạt chính sách ưu đãi cho sản xuất ôtô
Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu xem xét điều chỉnh khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô và một số linh kiện ôtô" trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao"...
- 30-04-2019Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của "Detroit châu Á" và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc
- 27-04-2019Đề xuất cấm nhập khẩu ô tô tay lái bên phải, xe cũ trên 5 năm
- 25-04-2019Smartphone, ô tô sẽ tạo ra cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về tình hình phát triển ngành công nghiệp ôtô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Dựa trên đề xuất của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành ôtô và ngành hỗ trợ tại địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các chính sách về ôtô để ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sản xuất phụ tùng, động cơ mang lại giá trị gia tăng cao.
Các bộ, ngành phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực nhân lực chất lượng cao để thu hút các tập đoàn ôtô lớn trên thế giới, nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu để sản xuất các mặt hàng phù hợp, trong đó có tính tới việc xuất khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô.
Đáng chú ý, một số kiến nghị của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng cũng chỉ đạo giải quyết.
Cụ thể, về kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và báo cáo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về đề nghị mở rộng khu công nghiệp Gián Khẩu, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và báo cáo Chính phủ quyết định.
Về đề nghị có chính sách ưu đãi đặc thù cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chính sách thuế đối với ngành ôtô, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp ôtô, doanh nghiệp hỗ trợ, báo cáo Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi quy định tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài trong các liên doanh ôtô không vượt quá 50%.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu xem xét điều chỉnh khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô và một số linh kiện ô tô" trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao".
Về kiến nghị bổ sung các đối tượng áp dụng chính sách ưu đãi tại Nghị định 125 là các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện hỗ trợ, doanh nghiệp 100% vốn tư nhân sản xuất các mặt hàng, phụ kiện cho ngành ôtô, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, cùng các bộ, ngành liên quan xem xét nghiên cứu, rà soát, báo cáo Thủ tướng giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền.
Hiện Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Ninh Bình và Quảng Nam là những địa phương được các doanh nghiệp lớn đặt cơ sở sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy lớn nhất cả nước.
Vĩnh Phúc là đại bản doanh của Toyota và Honda, Ninh Bình là cơ sở sản xuất của Tập đoàn Hyundai Thành Công, Quảng Nam được Thaco chọn là căn cứ sản xuất, trung tâm linh kiện của Đông Nam Á, Hải Phòng cũng được Vingroup chọn là nơi khởi nghiệp làm ôtô, xe máy.
Vneconomy