Thủ tướng yêu cầu ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu
Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn, sớm kiểm soát thành công đại dịch, nên chúng ta cần phải tận dụng cơ hội có một không hai để phục hồi mạnh mẽ các nguồn lực trong nước, các luồng lưu chuyển vốn trong khu vực và toàn cầu.
Sáng ngày 20/7/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (20/7/2000-20/7/2020). Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, các thành viên thị trường, doanh nghiệp niêm yết.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là sự kiện quan trọng được tổ chức trong thời điểm mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19 tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 13.
Cách đây 20 năm nhằm ngày 20/7/2000, TTCK Việt Nam với tên gọi ban đầu là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã khai trương với định hướng phát triển thành trung tâm tài chính, tiền tệ của cả nước. Đến nay, từ một Trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đến nay có hơn 1.600 đơn vị, đăng ký giao dịch với giá trị vốn hoá 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP. TTCK Việt Nam từ quy mô rất nhỏ, sơ khai đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng chiều sâu, góp phần trong quan trọng trong việc huy động vốn cho nền kinh tế.
Trong 10 năm gần đây, tổng số vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương 14% tổng mức đầu tư toàn xã hội, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn của hệ thống tín dụng ngân hàng. TTCK đã trở thành bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế trong nước và từng bước mang tầm vóc khu vực, quốc tế như VCB. VNM, FPT, Vingroup…
Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức nhưng nhìn chung, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của kinh tế.
Thủ tướng đánh cồng tại Lễ kỉ niệm 20 năm hoạt động TTCK Việt Nam và Sở GDCK TP.HCM
Thủ tướng thấy tự hào về một TTCK Việt Nam non trẻ nhưng kiên cường, vượt qua mọi thử thách từ nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất, ổn định nhất trong khu vực.
Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn, sớm kiểm soát thành công đại dịch, nên chúng ta cần phải tận dụng cơ hội có một không hai để phục hồi mạnh mẽ các nguồn lực trong nước, các luồng lưu chuyển vốn trong khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra với TTCK sau 20 năm hoạt động cần có sự phát triển về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững trong 15-20 năm tới, tầm nhìn tới 2045.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành địa phương, tập trung nỗ lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thực hiện việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và TTCK nói riêng.
Ngay trong năm nay cần phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo.
Hai là, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường trong đó có TTCK, Thị trường tiền tệ và Thị trường bảo hiểm; nhằm hướng tới một cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ba là, thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nhanh quy mô và chất lượng như đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thúc đẩy doanh nghiệp nhân niêm yết trên thị trường, tăng cường tính công khai minh bạch, bảo vệ nàh đầu tư, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.
Bốn là, cần sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức TTCK, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho thị trường an toàn, ổn định, bên vững, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp đối với cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Năm là, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK.
Sáu là, tập trung đổi mới một cách cơ bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào phục vụ hiệu quả cho giao dịch, thanh toán, giám sát, và các dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện số hoá tài sản giao dịch trên TTCK.
Bảy là, chủ động hội nhập TTCK vào Thị trường tài chính quốc tế, khu vực, bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. đưa TTCK Việt Nam thành điểm đến tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khu vực.