Thủ tướng yêu cầu xem xét mở lại đường bay thương mại quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia… về Việt Nam.
- 04-09-2020Mở lại bay quốc tế: Những trường hợp nào được mua vé, cách ly ra sao?
- 04-09-2020Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: "Việc mở lại đường bay quốc tế đã tham khảo ý kiến từ tất cả các Bộ, ngành"
- 03-09-2020Đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế từ 15-9, đón 5.000 khách mỗi tuần
Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ vào sáng nay 11-9, về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "tinh thần mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan". Sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn. Các địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại giao thương, không "ngăn sông cấm chợ".
Bộ Y tế phải phối hợp các bộ, ngành phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời phải theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở đường bay thương mại quốc tế . Ngành y tế, ở cả Trung ương và địa phương chủ động, có biện pháp thần tốc khi phát hiện ca dương tính mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa cho các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp, các hướng dẫn khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho người được nhập cảnh. Tăng tần suất chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam.
UBND các tỉnh phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện cách ly có thu phí. Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới. Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí, chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội khi cần thiết.
Về vấn đề thu tiền xét nghiệm còn có nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xác định mức phù hợp.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cư trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động, người nhập cảnh trái phép.
Các bộ, ban, ngành, các địa phương, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ở các cửa khẩu tạo thuận lợi nhất về thủ tục cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam với thủ tục nhanh, gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm.
"Chúng ta nói mở cửa thì thủ tục phải thuận lợi, còn sau đó thì Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, các địa phương cách ly và xét nghiệm theo phương thức phù hợp"- Thủ tướng nói.
Về gói hỗ trợ an sinh, Thủ tướng đề nghị sớm trình Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của gói này, trong đó có việc kéo dài thời gian.
Người lao động