MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu về cả trăm triệu đồng/tháng nhưng chỉ mặc áo không quá 400k, phần lớn đem đi tiết kiệm: Đâu ai biết trước khi nào sẽ nghèo, rủi ro sẽ đến?

19-08-2021 - 19:55 PM | Sống

Thu về cả trăm triệu đồng/tháng nhưng chỉ mặc áo không quá 400k, phần lớn đem đi tiết kiệm: Đâu ai biết trước khi nào sẽ nghèo, rủi ro sẽ đến?

Tiền tiết kiệm sẽ trở thành niềm tin vững chắc nhất nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra. Vì đâu ai biết chắc mình sẽ mãi mãi khỏe mạnh, sẽ luôn có một công việc với thu nhập ổn định, sẽ không bị kẹt trong tình huống nguy nan.

Có một định kiến ​​trong xã hội đương đại rằng hầu hết những người thuộc thế hệ trẻ đều thích chi tiêu nhiều hơn so với việc tiết kiệm. Thậm chí, tại Trung Quốc, người ta còn dùng riêng một cụm từ là “nguyệt quang tộc” dành cho những người trẻ làm ra bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu, cứ đến cuối tháng lại “rỗng túi”.

Tuy nhiên, chín người mười ý, không có ai hoàn toàn giống nhau trong cả cuộc sống và tư duy. Bên cạnh những người có thói quen tiêu xài, cũng có không ít người mang ý thức quản lý tài chính mạnh mẽ hơn.

Một người đàn ông ở thế hệ 9x có họ Vương, sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc từng tiết lộ rằng, thu nhập hàng năm của anh lên tới 600.000 RMB, tương đương khoảng 2,1 tỷ đồng. 

Thế nhưng, anh chưa bao giờ bỏ ra khoản tiền nào vượt quá 500 ngàn đồng để mua quần áo. Chiếc điện thoại di động có giá khoảng 4 triệu đồng được sử dụng liên tục trong 3 năm và chưa hề có ý định thay đổi. Mỗi lần đi cắt tóc cũng không vượt quá 100.000 đồng.

Một người khác ở Giang Tô thì chia sẻ các tips khi mua đồ cũ. Trong đó, cô cho biết mình đã tìm mua một lọ kem chống nắng cũ, chỉ còn khoảng 50% cho chuyến du lịch Thái Lan của mình. Sau khi trở về, lọ kem còn lại 1/4 và cô tiếp tục bán sang tay cho người khác. 

Một số người khác thì cho biết, để tiết kiệm điện và nước ở nhà, họ thường xuyên đến công ty thật sớm và chỉ rời đi sau khi điều hòa tổng bị tắt, trời đã tối và cái nóng dịu đi. Có người thậm chí mang đồ dùng cá nhân tới công ty để đánh răng, rửa mặt, ăn uống và cả gội đầu

Mặc dù một vài cách thức tiết kiệm có thể trở nên quá mức và cực đoan nhưng ít nhất, thông qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, giới trẻ cũng đang nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền bạc. Đây là một phần tất yếu trong kế hoạch tài chính của mỗi người để có thể chống cự những rủi ro khác nhau trong cuộc sống. 

Ý thức tiết kiệm tiền là một loại kỷ luật tự giác hàng đầu mà mỗi người nên có. Đó chính là nền tảng vững chắc nhất bạn tích lũy cho riêng mình.

Thu về cả trăm triệu đồng/tháng nhưng chỉ mặc áo không quá 400k, phần lớn đem đi tiết kiệm: Đâu ai biết trước khi nào sẽ nghèo, rủi ro sẽ đến? - Ảnh 1.

Nếu cuộc sống bình lặng trôi qua thì không sao, nhưng nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra, đâu ai biết chắc mình sẽ mãi mãi khỏe mạnh, sẽ luôn có một công việc với thu nhập ổn định, sẽ không bị kẹt trong tình huống nguy nan. Vào những lúc như vậy, bạn sẽ chỉ có thể an tâm phần nào khi sở hữu trong tay một khoản tiền tiết kiệm vững chắc.

Lấy ví dụ, một gia đình bao gồm ba thế hệ gồm có hai vợ chồng, ông bà và con cái, trụ cột kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào hai người trưởng thành, trong khi người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng được chú ý và quan tâm nhiều nhất vì dễ phát sinh sự cố, chủ yếu liên quan tới sức khỏe thể chất và tâm lý.

Nếu 1 người trong gia đình gặp chuyện, hai vợ chồng còn có khả năng xoay sở chống đỡ. Tuy nhiên, nếu có 2 hoặc thậm chí 3 người xảy ra vấn đề, chỉ dựa vào thu nhập hàng tháng và sức lực của 2 người thì không thể gồng gánh nổi.

Vì thế, trong mọi trường hợp, người ta đều khuyến khích nên có một khoản tích lũy dự phòng. 

Tiết kiệm tiền sẽ mang lại cho bạn sự tự tin để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Bạn có khoản phòng thân đủ để đặt bản thân vào những cơ hội lớn, theo đuổi quá trình phát triển năng lực. 

Hay đơn giản là bạn sẽ chỉ sẵn sàng rời bỏ công việc ổn định nhưng thiếu phù hợp hiện tại để tìm kiếm môi trường làm việc tốt đẹp hơn.

Bạn càng tích lũy được nhiều tài chính trong tay thì khả năng chống rủi ro của bạn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cơ hội để khám phá thế giới của bạn sẽ ngày càng mở rộng. Điều này gián tiếp giúp tâm trí bạn trở nên bình tĩnh, đủ tỉnh táo để nhận thức giá trị bản thân và tình huống khó khăn, đưa ra những quyết định thích đáng.

Có câu chuyện kể về nhà văn vĩ đại Harper Lee rằng, khoảng năm 1950, bà vẫn chỉ là  một nhân viên bán vé của hãng hàng không British Airways. Bà rất thích viết lách nhưng vì áp lực cuộc sống nên chỉ có thể viết đôi dòng vào lúc rảnh rỗi, coi như sở thích. 

Thu về cả trăm triệu đồng/tháng nhưng chỉ mặc áo không quá 400k, phần lớn đem đi tiết kiệm: Đâu ai biết trước khi nào sẽ nghèo, rủi ro sẽ đến? - Ảnh 2.

Nhà văn người Mỹ Harper Lee, tác giả của cuốn sách "Giết con chim nhại" nổi tiếng. Ảnh: The Washington Post

Nữ nhà văn người Mỹ biết rằng cứ tiếp tục như vậy sẽ không đạt được bất cứ kết quả gì. Đúng lúc này, hai người bạn của Harper Lee đã quyết định giúp đỡ vì tin tưởng tài năng của bà. 

Họ cho rằng Harper Lee là một nhân tài, không nên bị vùi dập trong hiện trạng vô danh thế này nên đã tặng một tấm séc cho bà vào dịp Giáng sinh. Số tiền trên chi phiếu tương đương với tiền lương của bà trong một năm và được gửi kèm lời nhắn: "Hãy dành một năm để viết những gì bạn thích, chúc Giáng sinh vui vẻ!"

Chính trong năm đó, Harper Lee đã hoàn thành một kiệt tác để đời là "Giết con chim nhại". Cuốn sách được đón nhận đông đảo và đã bán được hơn 40 triệu bản trên toàn thế giới, đưa tên tuổi của bà vào danh sách một trong những tác giả Mỹ nổi tiếng hàng đầu.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có những người bạn hào phóng làm quý nhân của cuộc đời như vậy. Nhưng ta lại có thể tự tiết kiệm để tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mình. Thay vì chờ đợi ở người khác, hãy trở thành quý nhân của chính mình. 

Để làm được như vậy, có một số điều bạn cần lưu ý như sau:

1. Bắt đầu tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt.

2. Thay đổi giá trị tiết kiệm dựa trên thu nhập mà bạn có được.

3. Không thể trở nên giàu có chỉ bằng cách tiết kiệm tiền, giống như việc bạn không thể có một ngôi nhà khi mới chỉ xây móng. 

4. Giảm thiểu vay mượn, chi tiêu vượt quá thu nhập của mình.

5. Đừng tìm kiếm khoái cảm từ tiêu dùng mà hãy tìm kiếm từ tài khoản tiết kiệm của mình.

*Theo Zhihu

Thuý Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên