MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu về hơn tỷ USD, xuất khẩu gỗ Việt vẫn vướng bốn lực cản khó

05-08-2021 - 18:06 PM | Thị trường

Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy sản xuất và gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu. Ảnh: The Spruce

Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy sản xuất và gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu. Ảnh: The Spruce

Tình trạng thiếu vỏ container vẫn đang tiếp diễn, giá cước vận tải đường biển tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với tháng 7/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 7/2020.

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 62,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành gỗ đạt được tốc độ tăng trưởng cao là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới rất khả quan.

Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ việc tiêm vaccine cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách sẽ làm phục hồi và tăng nhu cầu của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Nhât Bản, Hàn Quốc, EU và Canada là dấu hiệu tích cực góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thay đổi về tư duy để cập nhật những kiến thức mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nâng cấp các trang thiết bị máy móc tự động và công nghệ để phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 tạo những lợi thế mà cuộc cách mạng này đem lại. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự.... Từ đó, các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.

Mặc dù nhiều thuận lợi để tăng trưởng, nhưng hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, tình trạng thiếu vỏ container vẫn đang tiếp diễn, giá cước vận tải đường biển tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá cước tuyến châu Á tăng 3 - 4 lần, các tuyến châu Phi tăng 3 - 4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5 - 6 lần.

Thứ hai, dịch Covid-19 tái bùng phát ở châu Âu, Mỹ làm giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu và cước vận chuyển tăng. Một số đơn hàng xuất khẩu bị chậm do với kế hoạch. Vì thế, giá gỗ nhập khẩu từ Mỹ tăng 40% đến 60% so với năm 2020.

Thứ ba, số vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam đang có xu hướng tăng. Do đó hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, những rủi ro thương mại khi Mỹ đang điều tra theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Mỹ và điều tra thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán. Hàn Quốc, Ấn Độ đang có những điều tra liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Một số mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tăng đột biến như ghế khung gỗ, đồ nội thất văn phòng rất dễ bị điều tra chống bán phá giá.

Thứ tư, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy sản xuất và gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu. Chẳng hạn, nguồn gỗ từ miền Bắc, miền Trung, các phụ liệu sơn từ Bình Dương, Đồng Nai bị ảnh hưởng và vận chuyển khó khăn hơn.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, để ngành gỗ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ngăn ngừa tình trạng giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada... rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.

Theo Đỗ Lan

Người đồng hành

Trở lên trên