Thua lỗ, kẹp hàng trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Trong bối cảnh thị trường liên tục giảm sâu những ngày qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể nói mỗi phiên giao dịch qua đi lại khiến nhà đầu tư “kẹp hàng” thêm buồn phiền khi phần lợi nhuận kiếm được từ đầu năm tới nay ngày một bay hơi, thậm chí âm vào phần vốn.
Trong hơn 2 tuần qua, mặc dù VnIndex liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới nhưng trên thực tế, diễn biến TTCK Việt Nam khá ảm đạm khi thị trường xuất hiện rất nhiều cổ phiếu có mức giảm trên 10%.
Không chỉ là những cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao mà ngay cả những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, được hỗ trợ bởi KQKD quý 3 khả quan như HBC, MWG, PNJ, CVT, AAA, HPG, DXG…cũng đồng loạt giảm sâu.
Với diễn biến xấu bất ngờ kể trên, thị trường xuất hiện không ít nhà đầu tư “kẹp hàng”, lỡ mua cổ phiếu ở vùng giá cao và hiện đang chịu thua lỗ nặng nề. Trong bối cảnh thị trường liên tục giảm sâu những ngày qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể nói mỗi phiên giao dịch qua đi lại khiến nhà đầu tư “kẹp hàng” thêm buồn phiền khi phần lợi nhuận kiếm được từ đầu năm tới nay ngày một bay hơi, thậm chí âm vào phần vốn.
Bởi vậy, phần đông nhà đầu tư chưa kịp thoát hàng hiện đang đối mặt với bài toán nan giải là “nên cắt lỗ hay trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”.
Chấp nhận đau thương, tiến hành cắt lỗ
Việc chấp nhận cắt lỗ khi đang “kẹp” là điều không hề dễ dàng bởi những quan điểm “chưa bán là chưa lỗ” hoặc “cổ phiếu rồi sẽ mau chóng hồi phục”. Những quan điểm trên là không sai, nhưng cần phải hướng đến đối tượng “kẹp” là nhà đầu tư dài hạn hay nhà đầu cơ lướt sóng.
Trên TTCK, phần đông nhà đầu tư là nhỏ lẻ và đầu cơ lướt sóng. Do đó, việc chấp nhận cắt lỗ càng nhanh càng tốt sẽ giúp họ bảo toàn được nguồn vốn. Nếu như cổ phiếu giảm 10%, thì cần tăng 11% mới trở lại giá vốn ban đầu. Thua lỗ 50% thì cần phải tăng gấp đôi mới hòa vốn mà trên thực tế, để cổ phiếu tăng gấp đôi là không hề dễ dàng.
Theo các chuyên gia trên TTCK, thua lỗ tối đa 7% có thể coi là mức phù hợp để cắt lỗ, tất nhiên con số này chỉ đúng với các nhà đầu tư ngắn hạn.
Tuy vậy, phương pháp chấp nhận đau thương và cắt lỗ có lẽ chỉ dễ thực hiện với mức thua lỗ nhỏ, dưới 10%. Còn nếu thua lỗ lớn, trên 10% mà vẫn bị “kẹp” thì sẽ khó xử hơn rất nhiều.
Giảm tỷ trọng, giảm áp lực tâm lý
Đây có thể là phương pháp mà những nhà đầu tư “kẹp” với mức thua lỗ trên 10% có thể áp dụng. Với mức thua lỗ lớn như trên, nhà đầu tư có thể vẫn muốn cắt lỗ, nhưng họ lại sợ bán trúng đáy nên thường không biết xử lý ra sao. Kết quả, thị trường xấu thêm và khoản thua lỗ ngày càng lớn.
Trong tình huống này, một phương án dung hòa những vấn đề của nhà đầu tư là bán ra một phần danh mục bằng mọi giá, phần còn lại tiếp tục nắm giữ tùy cơ ứng biến. Nếu thị trường diễn biến xấu tiếp, chúng ta có thể cân nhắc bán tiếp phần còn lại, hoặc tiếp tục nắm giữ trở thành “nhà đầu tư dài hạn”. Nhưng ít nhất mức thua lỗ lúc này không còn lớn như việc nắm giữ nguyên danh mục và áp lực tâm lý cũng nhẹ bớt. Trong trường hợp thị trường hồi phục, ít nhất nhà đầu tư cũng có sẵn cổ phiếu trong tay, không lo “mất hàng”.
Phương pháp này cũng giống như việc chúng ta xả van, giảm áp lực tâm lý cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường diễn biến xấu mà lỡ “kẹp” giá cao.
“Chịu đòn” chờ bão tan
Thêm một phương pháp mà nhà đầu tư chứng khoán lỡ “kẹp hàng” có thể cân nhắc. Thực tế cho thấy về dài hạn, TTCK vẫn luôn có xu hướng tăng trưởng và do đó, nhà đầu tư nếu chưa kịp thoát hàng có thể tiếp tục nắm giữ và chờ đợi thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ bởi còn phải dựa trên cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ là cổ phiếu gì. Khi thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh, phần lớn các cổ phiếu tốt, xấu cùng điều chỉnh. Nhưng khi thị trường hồi phục trở lại, những cổ phiếu tốt sẽ hồi phục nhanh chóng và thậm chí tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Trong khi đó, những cổ phiếu “có vấn đề” thường sẽ tiếp tục downtrend và không biết khi nào mới có thể trở lại.
Do đó, để có thể đưa ra quyết định tiếp tục nắm giữ hay không, nhà đầu tư cần có đánh giá tổng quan về triển vọng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tốt, nhà đầu tư có thể bỏ qua những biến động trong ngắn hạn và chờ đợi sự hồi phục của thị trường. Còn nếu đang “lướt sóng” các cổ phiếu có nền tảng cơ bản không quá tốt và bị “kẹp” thì nhà đầu tư có lẽ nên chấp nhận đau thương và cắt lỗ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý đến vấn đề sử dụng margin. Nếu đang ôm cổ phiếu được đánh giá tốt, nhưng đang giảm sâu mà lại sử dụng margin thì việc “chịu đòn” chờ bão tan là không khả thi. Khi đó, có lẽ cần ưu tiên hơn đến việc thu hồi vốn.