MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thua lỗ tăng quá nhanh, nên xử lý tài khoản như thế nào?

Thua lỗ tăng quá nhanh, nên xử lý tài khoản như thế nào?

VN-Index phiên 6/7 đã chính thức xuyên thủng vùng đáy cũ thiết lập hồi tháng 5, để quay lại mức điểm từ hồi tháng 2/2021.

Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch ngày 6/7 với những diễn biến không mấy tích cực. Tác nhân chính khiến thị trường chung kém sắc có thể kể đến VIC và GAS khi lần lượt lấy đi 4,6 và 3,5 điểm của chỉ số. Bên cạnh đó, diễn biến tiêu cực từ nhiều đại diện ngân hàng cũng khiến thị trường giảm sâu thêm.

Áp lực bán cổ phiếu trụ bung mạnh vào cuối phiên đã khiến VN-Index giảm sâu gần 32 điểm xuống mốc 1.149. Như vậy, chỉ số đã chính thức xuyên thủng vùng đáy cũ thiết lập hồi tháng 5 để quay lại mức điểm từ hồi tháng 2/2021. Với việc đánh mất ngưỡng này, nhiều lo ngại VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về các mốc hỗ trợ thấp hơn vào thời gian tới.

Thị trường nhiều biến động

Bàn về những diễn biến thị trường trong phiên 6/7, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết lực đánh giá bán dồn dập bung ra vào thời điểm gần cuối phiên khiến thị trường khá bất ngờ, tâm lý nhà đầu tư bất ổn và bán mạnh trong phiên ATC. Trong bối cảnh thị trường trong nước không thông tin bất lợi và chứng khoán toàn cầu cũng đang có xu hướng khá tích cực, ông Ngọc cho rằng đà giảm phiên 6/7 chủ yếu đến từ giao dịch của khối ngoại.

Việc khối ngoại bán mạnh cùng với dòng tiền suy yếu đã khiến tâm lý thị trường chung tiêu cực. Nhìn nhận về yếu tố thanh khoản, ông Ngọc cho rằng dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa thực hiện tăng lãi suất, song đã bắt đầu thực hiện một số chính sách kiểm soát dòng tiền mạnh mẽ sau khi Fed đã tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất và hạ bảng cân đối kế toán.

Theo đó, NHNN đang thực hiện biện pháp kiểm soát room tín dụng, với nhiều ngân hàng đã hết room thì dù dư nguồn cũng khó cho vay. Đó là lý do khi dư nguồn các ngân hàng sẽ thực hiện rút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

"Với diễn biến vĩ mô hiện tại, tôi cho rằng đà giảm này chỉ diễn ra cục bộ và trong ngắn hạn. Thị trường sẽ có diễn biến thận trọng hơn cùng với thanh khoản thấp trong những phiên tiếp theo, song khả năng giảm sâu, giảm mạnh thêm cũng không quá lớn. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ vùng điểm 1.100 bởi đây là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho thị trường trong những phiên tới".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập của FIDT cũng đánh giá thời điểm hiện tại chưa thấy có thông tin vĩ mô tác động tiêu cực. Thậm chí, chứng khoán Mỹ đêm qua có phiên đảo chiều phục hồi khá ấn tượng và nhiều chỉ số đóng cửa xanh. Giá dầu cũng phục hồi sau khi để mất mốc 100 USD/thùng.

Theo đó, ông Tuấn nhận định áp lực bán mạnh của khối ngoại lên những cổ phiếu trụ là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Cụ thể, khối ngoại bán ròng đến gần 800 tỷ đồng, chủ yếu áp lực đến từ việc ETF rút ròng những cổ phiếu lớn trong danh mục.

Thua lỗ tăng quá nhanh, nên xử lý tài khoản như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập của FIDT

"Thời gian qua, bất chấp tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại là điểm sáng khi liên tiếp mua ròng. Do đó, việc nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán mạnh trong bối cảnh dòng tiền cạn kiệt như hiện tại là yếu tố cộng hưởng khiến tâm lý nhà đầu tư lo sợ, quan sát để bán theo", Nhà sáng lập của FIDT chia sẻ.

Hành động như thế nào?

Nhìn nhận về xu hướng thị trường thời điểm hiện tại, vị chuyên gia cho rằng có nhiều ý kiến cho rằng thị trường đã về vùng định giá hấp dẫn để đầu tư, song nhà đầu tư cần xác định rõ mình thuộc trường phái đầu tư ngắn hạn hay dài hạn.

Theo thống kê, thời gian thị trường rơi vào thị trường "gấu" thường kéo dài khá lâu. Trong quá khứ, thị trường có xu hướng đi xuống vì chính sách vĩ mô trong giai đoạn từ năm 2011 – 2014 và giai đoạn năm 2018 – 2020. Đối với bối cảnh hiện tại, chuyên gia cho rằng xu hướng đi xuống của thị trường có thể kéo dài ít nhất từ đây đến hết năm. Do đó, khi thị trường đang trong xu hướng đi xuống cần có chiến lược rõ ràng.

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn nên quan sát những tín hiệu vĩ mô như lạm phát chững lại, chính sách tăng lãi suất của Fed bình ổn hơn cũng như vấn đề nới room tín dụng.

"Lời khuyên duy nhất của tôi cho những nhà đầu tư lướt sóng là nên "đóng băng" tài khoản và không nên cố gỡ lỗ trong bối cảnh thị trường biến động như hiện tại. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng có thể sớm gỡ gạc từ những đợt hồi phục và thực hiện bắt đáy hoặc trung bình giá, song điều đó chỉ khiến tài khoản lỗ chồng lỗ và mất niềm tin hơn vào thị trường. Thị trường chứng khoán hiện tại cũng như tương tự mùa đông giá lạnh, và cách tốt nhất để chống chọi là nên "ngủ đông" để chờ cơ hội tốt hơn", ông Tuấn đưa ra lời khuyên.

Bàn về câu chuyện có nên "trú ẩn" vào những nhóm cổ phiếu phòng thủ, vị chuyên gia cho rằng khi thị trường giảm sâu, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời bởi cho rằng những nhóm này đã bị định giá cao. Nhiều nhà đầu tư mua với vùng định giá thấp sẽ có tâm lý chốt lời và đi tìm những cơ hội khác từ những nhóm cổ phiếu giảm sâu hơn.

https://cafef.vn/thua-lo-tang-qua-nhanh-nen-xu-ly-tai-khoan-nhu-the-nao-20220706163744302.chn

Minh Châu

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên