Thuận Kiều Plaza: Từ biểu tượng hoa lệ Sài Gòn một thời, trải qua 3 thập kỷ đầy "tai tiếng" với đủ thứ chuyện u mê và hy vọng hồi sinh giữa đại dịch
Sau 27 năm gần như bỏ không giữa lòng Sài Gòn với đủ thứ chuyện bàn ra tán vào, Thuận Kiều Plaza nay được trưng dụng để trở thành tuyến đầu chống dịch.
- 09-07-2021Thuận Kiều Plaza từng sở hữu nhiều cái “NHẤT”, trong đó có một thứ khiến người Sài Gòn một thời “đi đâu cũng ngước cổ lên trời”
- 09-07-2021Thuận Kiều Plaza hay còn gọi là "cao ốc 3 cây nhang" là địa danh thế nào mà người Sài Gòn ai cũng đang nhắc?
Trong những ngày vừa qua, "Thuận Kiều Plaza" là cái tên được chú ý nhất trên MXH, khiến cộng đồng mạng không khỏi xôn xao sau thông tin nơi đây sẽ được trưng dụng trở thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Nhưng điều khiến cộng đồng mạng quan tâm không phải là việc nơi đây sẽ trở thành BV dã chiến điều trị Covid-19 mà chính là những "thông tin bên lề" về lịch sử khu TTTM này mới là điều thu hút sự quan tâm của mọi người. Bởi vốn dĩ Thuận Kiều Plaza đã là một địa điểm bí ẩn nhất Sài Gòn với nhiều câu chuyện đồn đại xung quanh.
Sự sụp đổ của biểu tượng hoa lệ Sài Gòn một thời
Vào những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một khu Trung tâm thương mại nằm trên khu đất vàng quận 5 của Sài Gòn chính thức được xây dựng. Tọa lạc ở vị trí đắc địa của Sài thành giới hạn bởi bốn tuyến đường Hồng Bàng, Thuận Kiều, Tân Hưng, Dương Tử Giang và đường Đỗ Ngọc Thạnh chạy xuyên giữa công trình, công trình này được kỳ vọng sẽ mang đến sự phát triển hơn nữa cho Sài Gòn hoa lệ thời điểm bấy giờ.
Bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1994, đến năm 1999 bắt đầu hoàn thành và đi vào khai thác, Thuận Kiều Plaza trở thành công trình cao tầng đầu tiên, biểu tượng cho sự phát triển của TP.HCM thời điểm đó.
Với tổng diện tích lên đến 9.971 mét vuông. Tổng kinh phí thời ấy vào khoảng hơn 55 triệu USD. Thuận Kiều Plaza đã xây dựng nên tổ hợp gồm 3 toà tháp với độ cao 110 mét. Toạ lạc tại số 190 Hồng Bàng, con đường to rộng và sầm uất nhất nhì Quận 5, Sài Gòn.
Những tưởng bằng sự xa hoa, hiện đại bậc nhất của mình, Thuận Kiều Plaza sẽ đáp ứng được kỳ vọng mang đến sự phát triển hơn nữa cho Sài Gòn thế nhưng, sau khi đi vào khai thác không bao lâu thì TTTM này rơi vào tình trạng ế ẩm, khách hàng lần lượt khăn gói ra đi. Cùng với đó là hàng loạt câu chuyện "kì bí" được đồn đoán càng làm cho khu TTTM này thêm "heo hút".
Sau gần 14 năm "lay lắt", đến năm 2013, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia sở hữu khối tài sản "khủng" nhất nhì TP.HCM Trương Mỹ Lan đã thâu tóm dự án này. Khi vừa tiếp nhận, đã có thông tin chủ đầu tư mới sẽ đập bỏ dự án để làm lại. Tuy nhiên, không ít lâu sau, lãnh đạo công ty Cổ phần đầu tư An Đông (một thành viên của Vạn Thịnh Phát) khẳng định, không có chuyện đập bỏ mà sẽ tiến hành cải tạo, chỉnh trang lại theo đúng công năng, sửa lại theo nhu cầu thực tế của người dân.
Đến năm 2018, toàn bộ công trình được sơn lại màu xanh thay vì màu đỏ như trước đó. Từ ngoài vào trong công trình gần như được làm mới toàn bộ do đã xuống cấp nghiêm trọng. Chưa dừng lại đó, từ tháng 7/2018, UBND TP đã có công văn chấp thuận cho quận 5 được cải tạo, chỉnh trang quảng trường phía đường Thuận Kiều.
Đến ngày 15-8, TTTM The Garden Mall chính thức được khai trương, bao gồm nhiều tiện ích như mua sắm, thưởng thức nghệ thuật, ăn uống.... Riêng 684 căn hộ tại ba tòa tháp cũng được đổi tên thành The Garden Residence nhưng chưa được tiết lộ sẽ khai thác như thế nào và khi nào sẽ chính thức mở bán.
Với những "nỗ lực" như vậy, ắt hẳn chủ đầu tư cũng như người dân quận 5 nói riêng và người dân TP.HCM nói chung có lẽ đều hy vọng có thể một lần nữa "hồi sinh" khu đất vàng này như mới ngày đầu xây dựng.
Thế nhưng gần 27 năm trôi qua, Thuận Kiều Plaza nói chung vẫn "im lìm" như xưa cũ mà dường như không có bất kỳ một sự thay đổi nào. Đặc biệt, 684 căn hộ tại 3 tòa tháp nơi đây vẫn chưa được "lấp đầy" khi chỉ có rất ít người sinh sống tại đây.
Có lẽ những "đồn đoán" dị đoan liên quan đến TTTM này đã khiến cho nơi đây không thể vực dậy nổi, cứ mãi chìm trong những câu chuyện u mê hoang đường.
Một trong những lời đồn được nhiều người đồn đoán, truyền tai nhau đó chính là việc Thuận Kiều thường xuyên có những sự "xuất hiện khó hiểu". Nhiều người được cho là từng ở đây lên mạng kể rằng thường xuyên nghe những tiếng động lạ. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có ai thật sự kiểm chứng được những lời đồn vô căn cứ này.
27 năm trôi qua, sự lãng phí của một phần hoa lệ của Sài Gòn đang dần được hồi sinh. Việc trưng dụng nơi đây trở thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 không những giúp nơi đây có cơ hội một lần nữa hồi sinh mà còn đóng góp vào công tác chống dịch của thành phố giữa bối cảnh Sài Gòn đang đương đầu với sự tấn công kinh hoàng của dịch bệnh.
Án mạng có thật được "thêu dệt" vào những câu chuyện u mê hoang đường
Có lẽ trong số tất cả những "đồn đoán" liên quan đến Thuận Kiều Plaza thì chưa có bất kỳ một lời đồn nào được kiểm chứng, tất cả đều được nghe "kể lại", một đồn mười, mười đồn trăm để thêu dệt lên những "câu chuyện dài kỳ" như hiện tại.
Thế nhưng giữa "vô vàn" đồn đoán vô căn cứ đó, thực sự đã từng có một án mạng kinh hoàng xảy ra tại đây. Nhưng cũng từ sự việc có thật này mà nhiều câu chuyện hoang đường khác được dấy lên, làm "dày" thêm "bộ sưu tập" những sự "xuất hiện khó hiểu".
Vụ án mạng kinh hoàng ấy xảy ra vào đêm 22/10/2002, ngay trước vỉa hè TTTM và gây chấn động đến người dân xung quanh quận 5 thời điểm đó.
Vào khoảng 20h tối đêm xảy ra án mạng, người dân sống xung quanh nghe thấy 2 tiếng nổ vang lên tại vỉa hè trước Thuận Kiều Plaza. Sau tiếng nổ, người dân chạy đến xem xét thì không khỏi bàng hoàng với cảnh tượng xảy ra trước mắt, hai người nam, nữ nằm bất động trên vũng máu, bên cạnh là chiếc mô tô và một khẩu súng.
Trong khi người đàn ông được phát hiện nằm sấp, trên người máu vẫn "phun" ra từ thái dương thì người phụ nữ cũng rơi vào tình trạng ám ảnh không kém với một vết đạn thủng trán.
Sự việc sau đó được người dân báo lên cơ quan chức năng. Đến 21h30', người nhà các nạn nhân cũng đã có mặt để nhận dạng.
Danh tính 2 nạn nhân sau đó được xác định, trong đó người nữ là L.V.A., 20 tuổi, đang là sinh viên, ngụ gần nơi xảy ra án mạng. Người đàn ông là P.N.S., 23 tuổi, công tác tại Đội Cảnh sát hình sự quận 1.
Những người qua đường cho biết, họ nghe thấy hai người lớn tiếng với nhau, và có khả năng người đàn ông bắn cô gái trước rồi tự sát.
Không lâu sau đó, vụ án đã khép lại thế nhưng cũng từ đây hàng loạt đồn đoán liên quan đến vụ án mạng bắt đầu dấy lên. Thuận Kiều Plaza vốn đã không thiếu chuyện ly kì nay lại càng thêm "huyền bí".
Có người thì bảo lúc đi tập thể dục tầm 4 - 5 giờ sáng thì thấy có bóng dáng của cặp nam nữ đứng bên trạm xe buýt. Có anh bảo vệ thì bảo đi trực trong Thuận Kiều vô tình gặp phải cô gái mặt dính đầy máu nhờ đi ké thang máy.
Có một anh xe ôm thì kể là vào dịp Tết Trung Thu, anh nhận được cuộc gọi từ một khách hàng nữ sống ở đây, lúc đó cũng tầm 12h đêm nên đến trước 3 tòa tháp này để đón khách nhưng mà đến nơi thì chẳng thấy ai. Anh mới gọi lại cho khách hàng thì chỉ nghe thấy tiếng thở có phần khò khè bên đầu dây kia, sợ quá nên mới chạy luôn.
Năm này qua năm khác, câu chuyện về "đôi nam nữ" cũng như hàng chục câu chuyện mang màu sắc liêu trai như vậy vẫn tiếp tục được đồn đoán. Thế nhưng, cho đến tận ngày nay vẫn chưa có ai thật sự kiểm chứng được những lời đồn vô căn cứ này.
Thậm chí những người sống trong một trong 3 tòa tháp này cũng khẳng định rằng, mặc dù đã sống ở đây rất lâu rồi nhưng hoàn toàn không hề thấy gì.
Về "vấn đề" này, đại diện chính quyền phường 12 cũng đã từng lên tiếng:
"Chúng tôi từng nghe cả một "ma trận" tin đồn về Thuận Kiều Plaza, có người còn bảo rằng trong bản vẽ, 3 tòa tháp dự tính sẽ được xây dựng theo hình chữ Sơn- (Shan, theo tiếng Trung Hoa- PV) nhưng không biết họ xây làm sao mà ra hình giống như 3 cây nhang nên "oan hồn" từ khắp nơi mới bám vào.
Rồi có người còn nói Thuận Kiều Plaza giống như một con thuyền với 3 ống khói nhưng do thiết kế phần dưới bị sai lệch nên con tàu chìm dần. Nhưng chúng tôi khẳng định, đó toàn là những câu chuyện thêu dệt, tưởng tưởng của nhiều người và hoàn toàn không có chuyện "ma quỷ" hay "oan hồn" gì ở đây".
Ngoài ra, theo nhận xét của các kiến trúc sư, Thuận Kiều Plaza được thiết kế chật chội, như những “tổ chim”. Độ cao giữa các tầng khoảng 2,7m, các phòng trong căn hộ nhỏ lắt nhắt. Bên cạnh đó, cách bố trí bên trong hành lang, cầu thang bộ nhỏ, tối của Thuận Kiều làm cho nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Căn hộ sở hữu diện tích nhỏ, trần thấp không phù hợp khí hậu nhiệt đới như Sài Gòn...
Đặc biệt, với thiết kế như trên, nơi đây đã từng xảy ra hai vụ cháy lớn khu nhà hàng ở tầng 3 vào năm 2004 và 2009. Kể từ đó, lượng khách đến trung tâm cũng ngày một thưa dần.
Một lý do khác khiến các căn hộ ở đây không thu hút được người dân sinh sống bởi, ban đầu Thuận Kiều Plaza được định dạng là căn hộ cho thuê, không phải là ở sở hữu. Vậy nên nhiều người cho rằng việc bỏ ra số tiền lên đến hàng tỷ đồng chỉ để thuê vài chục năm, sau đó trả lại, người Việt vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận.
Đến những năm 2013-2015, mặc dù đã được "đầu tư" lại gần như hoàn toàn tuy nhiên, các căn hộ tại đây vẫn rất thưa thớt người đến ở, nguyên nhân được cho là sau một thời gian sử dụng đã trở nên xuống cấp. Không gian sống bó hẹp, ẩm thấp, thiếu khí đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ nên cư dân cũng lần lượt rời đi.
Với chừng đó lý do cũng đã đủ TTTM này không thể "hấp dẫn" người dân lựa chọn làm nơi sinh sống lâu dài chứ chưa hề cần đến thêm một loạt câu chuyện "chưa được kiểm chứng" như dư luận đồn đoán.
Hy vọng hồi sinh giữa đại dịch
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm vẫn liên tục tăng. Trong khi đó các bệnh viện chuyên thu dung điều trị bệnh nhân cũng như các khu cách ly dần quá tảihttp://nhipsongviet.toquoc.vn/thuan-kieu-plaza-tu-bieu-tuong-hoa-le-sai-gon-mot-thoi-trai-qua-3-thap-ky-day-tai-tieng-voi-du-thu-chuyen-u-me-va-hy-vong-hoi-sinh-giua-dai-dich-2220211070261605.htm. Chính vì vậy, các địa điểm "trống" trong thành phố đang dần được trưng dụng để chuyển công năng thành nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Giữa bối cảnh đó, Thuận Kiều Plaza đã trở thành địa điểm tiếp theo được trưng dụng để trở thành BV dã chiến, cùng thành phố chống dịch.
Ngày 8/7, hàng chục công nhân được điều động đến đây để làm các công tác thành lập Bệnh viện Dã chiến thu dung số 5 điều trị COVID-19. Đây là ngày đầu tiên thi công tại Thuận Kiều Plaza để thành lập bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.
Theo dự kiến, sau khoảng một tuần việc xây dựng được hoàn tất. Sau đó, các lực lượng liên quan sẽ tiến hành tập kết vật tư y tế và thực hiện công tác bàn giao cho Sở Y tế TPHCM.
Sau 27 năm gần như bỏ không với "biệt danh" "3 cây nhang” giữa lòng Sài Gòn cùng với những câu chuyện ma mị, thì nay Thuận Kiều Plaza đã được trưng dụng để trở thành tuyến đầu chống dịch. Bỏ qua những câu chuyện hoang đường đầy tai tiếng cũng như hy vọng sau sự kiện có ý nghĩa này, Thuận Kiều Plaza sẽ dần "hồi sinh".
Thuận Kiều Plaza được xây dựng năm 1994, với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2, tại phường 12, quận 5. Công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng với hàng trăm nhà ở, phòng chức năng. Khu căn hộ của Thuận Kiều Plaza có tổng diện tích khoảng 60.000 m2, gồm 648 căn hộ chia đều cho ba tháp A, B, C với 5 loại.
Cụ thể, loại căn hộ 2 phòng ngủ tương đương 80m2, loại 3 phòng ngủ khoảng 100m2, loại căn hộ mở rộng khoảng 180m2, loại hai tầng 154m2, loại hai tầng 195m2. Khu thương mại chiếm 20.000 m2, diện tích nhà để xe rộng 10.000 m2 và câu lạc bộ thể thao giải trí rộng 10.000 m2.
Nhịp sống Việt