MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngày 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Kinh tế tăng trưởng, chuyển biến tích cực

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích tình hình; đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đặc biệt là các giải pháp cần triển khai để hoàn thành các mục tiêu năm 2023 đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng hiệu quả hơn trước bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước, củng cố ngày càng vững chắc các kết quả quan trọng đã đạt được trên các lĩnh vực.

Cũng theo ông Trần Quốc Phương, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh bằng việc quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế, nhân lực. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỉ USD, giảm 5,9%; nhập khẩu 296,67 tỉ USD, giảm 10,7%; xuất siêu 25,83 tỉ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỉ USD).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp ngày 6-12 Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp ngày 6-12 Ảnh: NHẬT BẮC

Các thành viên Chính phủ tại phiên họp thống nhất đánh giá cao khi trong 11 tháng, đã miễn, giảm, gia hạn trên 172.000 tỉ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất. Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội, 15.000 tỉ đồng cho vay lâm sản, thủy sản được đẩy nhanh (đến hết tháng 10, các ngân hàng đã giải ngân trên 9.000 tỉ đồng gói tín dụng lâm sản, thủy sản, đạt 60%). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực, tổng khối lượng phát hành 11 tháng đạt 214.300 tỉ đồng; sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từng bước phát huy hiệu quả, tổng giá trị giao dịch đạt trên 107.440 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỉ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới tăng 42,4%. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỉ USD, tăng 2,9% (10 tháng tăng 2,4%). Giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỉ đồng.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế; điều hành chính sách vĩ mô hợp lý, hiệu quả; có giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; tập trung các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới…

Thúc đẩy đầu tư công

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cao với các báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp. "Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ năm 2023, tạo đà thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy 6 vùng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng.

Đối với đầu tư công, khi thời gian năm 2023 không còn nhiều, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương cần quyết liệt, đẩy mạnh để đạt mục tiêu đã đề ra. "Phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023" - Thủ tướng nêu rõ.

Nhận định thời gian tới và năm 2024 còn nhiều khó khăn, khó đoán định, Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu, tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành; sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về việc giảm thuế giá trị gia tăng theo nghị quyết của Quốc hội. "Từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu phát huy, đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo" - Thủ tướng quán triệt. 

Hà Nội xin gia hạn báo cáo vụ đấu giá 3 mỏ cát

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, trả lời báo chí về vụ việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) và Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) ở Hà Nội có giá cao bất thường, lên tới gần 1.700 tỉ đồng, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết sau khi Thủ tướng có chỉ đạo, UBND TP Hà Nội đã giao các sở ngành và Công an thành phố rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá. Đến ngày 17-11, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo kết quả một số nội dung và cho biết do có nhiều vấn đề cần rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan nên cần thêm thời gian để thực hiện.

Theo ông Hà Minh Hải, Thủ tướng yêu cầu báo cáo trước 20-11 nhưng do nội dung lớn cần rà soát nên ngày 29-11 thành phố đã có báo cáo một số nội dung sơ bộ với lãnh đạo Chính phủ và kiến nghị được báo cáo nội dung đầy đủ trước ngày 15-12-2023.

Theo Minh Chiến

Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên