Thúc đẩy hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội
Một góc tổ hợp tòa nhà thuộc dự án nhà ở xã hội Hacom GalaCity tọa lạc tại trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN
Những tháng cuối năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình như cử Tổ công tác liên ngành tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
- 25-07-2022Thu nhập của nhóm người giàu nhất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã thay đổi ra sao trong 10 năm?
- 24-07-2022Những địa phương có chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ
- 23-07-2022Lộ diện mức lương những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý 3/2022, có vị trí lên tới 400 triệu đồng/tháng
Cùng đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Đồng thời, theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Hưng Yên và một số địa phương khác về quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản. Bộ cũng thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường bất động sản nhằm đảm bảo thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động và thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai.
Theo đó, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trong đó có chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác liên ngành đã làm việc trực tiếp với 12 địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Hưng Yên.
Đồng thời, Tổ công tác liên ngành đã yêu cầu 22 địa phương trọng điểm báo cáo tình hình thực hiện và nhu cầu vay vốn, các tồn tại, hạn chế và kiến nghị để Tổ công tác nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Từ kết quả báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy, trong 2 quý đầu của năm 2022 tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2.
Trong số đó, nhà ở xã hội có 8 dự án với quy mô 22.297 căn gồm: Bình Dương 4 dự án với 20.000 căn; Kiên Giang 1 dự án có 765 căn; Hà Nam 1 dự án với 564 căn; Hà Nội 2 dự án tương đương 968 căn. Nhà ở công nhân có 3 dự án quy mô 3.560 căn; trong đó, tại Quảng Ninh có 1 dự án với 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở; Bắc Ninh 1 dự án có 2.200 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở; Tp. Hồ Chí Minh 1 dự án tương ứng 360 căn, đáp ứng 1.000 chỗ ở. Ngay trong quý III và IV, thành phố Hà Nội dự kiến khởi công 2 dự án nhà ở xã hội gồm 1.860 căn.
Đẩy mạnh các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đang tiếp tục triển khai 339 dự án, quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2.
Riêng nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án với quy mô xây dựng khoảng 54.400 căn hộ có tổng diện tích 2.721.500 m2 và đang tiếp tục triển khai 116 dự án với quy mô xây dựng khoảng 152.160 căn hộ, tổng diện tích 7.608.000 m2.
Phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng hoàn thành việc đầu tư xây dựng 153 dự án, quy mô xây dựng 92.490 căn hộ với tổng diện tích 4.624.000 m2 và đang tiếp tục triển khai 223 dự án tương ứng 219.300 căn hộ có tổng diện tích ước tính 10.967.000 m2.
Trong phát triển nhà ở, cùng với việc thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đẩy nhanh tốc độ thực hiện kiểm định, xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ; trong đó ưu tiên triển khai những khu chung cư nguy hiểm, thuộc diện phải phá dỡ .
Đến nay, Hà Nội đã thực hiện kiểm định được 401/1.579 nhà chung cư; trong đó có 8 chung cư nguy hiểm thì 2 dự án đã hoàn thành năm 2020; hiện 2 dự án đang triển khai và còn 4 dự án chưa lựa chọn chủ đầu tư. Tương tự, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm định được 474 nhà chung cư (573 lô) được xây dựng trước năm 1975; trong đó có 14 chung cư cấp D, đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng mức đầu tư 275 tỷ đồng.
Báo tin tức