MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thức dậy lúc 6h mỗi ngày trong suốt 5 năm, cuộc sống của tôi thay đổi thế nào? Minh mẫn, tự tin và thành công hơn!

29-10-2022 - 05:28 AM | Sống

Thức dậy lúc 6h mỗi ngày trong suốt 5 năm, cuộc sống của tôi thay đổi thế nào? Minh mẫn, tự tin và thành công hơn!

Dậy sớm không chỉ là sở thích hay thói quen. Đó là biểu hiện của sự tự kỷ luật ở những người thành công, là nơi để chiến thắng chính mình ngay từ trong suy nghĩ.

*Bài viết dựa trên cảm nhận cá nhân của tác giả với bút danh Daisy Witch (người Quảng Châu, Trung Quốc) được đăng tải trên Zhihu.

01. Thức dậy sớm là điều có thể lặng lẽ thay đổi cuộc sống của bạn

Tôi đã sở hữu một vóc dáng khỏe khoắn sau 5 tháng; đọc ít nhất 30 cuốn sách hay sau một năm; kiếm thêm một khoản thu nhập thụ động để tài chính dư dả; đã đi du lịch hơn một nửa Trung Quốc một mình; tìm một nghề nghiệp mà mình yêu thích và lập kế hoạch nghiêm túc phấn đấu.

Tôi có thể tự tin khẳng định rằng, mình đã sống nghiêm túc mỗi ngày theo nhịp sống của chính mình. Đó là điều mà nhiều người đều ao ước, nhưng không phải ai cũng làm được.

Tất cả đều bắt nguồn từ một thói quen đã thay đổi cuộc sống của tôi. Đó là việc luôn luôn thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày. Thói quen này đã kéo dài suốt 5 năm liên tục. 

So với nhiều bạn cùng trang lứa, quả thật tôi không biết những bộ phim truyền hình ăn khách nhất, tôi không quan tâm ngôi sao nổi tiếng, và tôi cũng không biết con phố nào ở Quảng Châu ăn chơi vui nhất. Nhưng bù lại, tôi có được những giá trị tốt gấp nhiều lần nhờ mức độ kỷ luật của bản thân. 

Đó là được trưởng thành, làm những gì mình thích và tiến bộ mỗi ngày. Đó là sở hữu một căn hộ nhỏ dành riêng cho mình, có những người bạn cùng chí hướng, cùng phát triển và cùng kiếm tiền. Đó là khoản thu nhập khả quan hàng tháng, giúp tôi mua những thứ mình thích mà không quá quan tâm đến giá cả (đương nhiên tôi cũng không có nhu cầu mua nhiều đồ xa xỉ). Đó là khoảnh khắc khi nhìn thấy bất cứ nơi nào muốn đến, tôi có thể lập tức đặt vé rồi sắp xếp vali…

Thức dậy lúc 6h mỗi ngày trong suốt 5 năm, cuộc sống của tôi thay đổi thế nào? Minh mẫn, tự tin và thành công hơn! - Ảnh 1.

Sống kỷ luật khiến nhiều người nghĩ rằng tôi là một cỗ máy làm việc. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Trong khi làm việc chăm chỉ, tôi đi du lịch tự do hai lần mỗi năm và trải nghiệm những điều thú vị như lướt sóng, chơi dù lượn, thiền định, v.v. Thỉnh thoảng, tôi còn tự học nhạc cụ khi rảnh rỗi.

Sở dĩ, tôi có nhiều thời gian để vừa phát triển bản thân, vừa tận hưởng cuộc sống như vậy chính là nhờ thói quen: Kiên trì dậy sớm. Ít nhất, nó mang đến 3 lợi ích:

- Có thêm thời gian để lên kế hoạch công việc trong ngày, tránh nhầm lẫn và lãng phí thời gian;

- Có nhiều năng lượng để giúp hoàn thành kế hoạch một cách hiệu quả;

- Có thêm thời gian cho bản thân làm những gì mình muốn (nhiều người làm điều đó bằng cách thức khuya).

02. Bí quyết để dậy sớm mỗi ngày

Ban đầu, dậy sớm tựa như một đam mê mới mẻ. Sau đó, tôi duy trì điều này bằng sự tự chủ cá nhân. Cuối cùng, nó trở thành thói quen thường nhật. Đó là quy trình mà hầu hết mọi người đều trải qua.

Nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng, sự phát triển của bất kỳ thói quen tốt nào cũng được chia thành ba giai đoạn: từ hưng phấn, đến khó chịu, và cuối cùng là thỏa mãn.

Việc dậy sớm cũng vậy. Tuần đầu tiên, tôi đặc biệt ngạc nhiên và thích thú khi thức dậy sớm. Buổi sáng nắng quá đẹp, không khí trong lành, khuôn viên trường trống trải và không còn chen chúc, xô bồ. Tôi cảm thấy mình “lãi” được 2 giờ rảnh rỗi hơn so với những người khác. Vào buổi sáng, não bộ cũng hoạt động rất tốt giúp trạng thái học tập đạt đỉnh cao, không bị tin nhắn hay điện thoại của bạn bè quấy nhiễu (vì họ còn chưa dậy).

Sau khi kiên trì trong nửa tháng, tôi bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn. Do giai đoạn đầu do quá hưng phấn, cộng thêm việc trạng thái và thói quen thay đổi đột ngột, lúc này cơ thể sẽ kiệt sức, trong đầu nảy sinh ý định bỏ cuộc. Nhất là vào mùa đông, khi dậy sớm, trời còn tối, chăn còn ấm, việc ép mình dậy sớm quả là khó khăn kinh khủng.

Đây chính là giai đoạn mà nhiều người bỏ cuộc nhất. Lúc đó, tôi đã tự nói với bản thân mình rằng: “Bạn cùng phòng đã thi IELTS được 7.5 và chuẩn bị đi du học, vậy mà vẫn dậy sớm học bài. Bạn cùng lớp nặng 50kg, cao 1m65, thân hình chuẩn, vậy mà vẫn dậy sớm đi tập thể dục. Bản thân mình tiếng Anh bập bõm, cơ thể thừa cân, có thể yên tâm ngủ tiếp được sao?”

Vì vậy, tôi buộc mình phải dậy lúc 6 giờ mỗi ngày, tìm một phòng tự học còn trống và bắt đầu học từ mới, luyện nghe tiếng Anh. Nếu trời lạnh quá, tôi mua một chiếc máy sưởi tay để tiếp tục học.

Thức dậy lúc 6h mỗi ngày trong suốt 5 năm, cuộc sống của tôi thay đổi thế nào? Minh mẫn, tự tin và thành công hơn! - Ảnh 2.

Ngày nào cũng tự tạo động lực như vậy, cuối cùng đồng hồ sinh học của tôi cũng quen với nhịp điệu này. Tôi bước sang giai đoạn thứ 3, không cần đồng hồ báo thức mà vẫn thức dậy một cách tự nhiên lúc 6 giờ sáng. Tôi có thể nhanh chóng rời giường, ăn sáng, bắt đầu học hoặc tập thể dục, sắp xếp thời gian biểu và bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng.

Vào thời điểm người khác thức dậy lúc 8 giờ, tôi có thể đã hoàn thành bài tập thể dục 30 phút, đọc 20 trang sách hoặc viết một bài tự luận tiếng Anh 1.000 chữ.

Vì phải dậy sớm nên tôi phải cố gắng đi ngủ sớm và không thể thức khuya, từ đó thúc đẩy thói quen lành mạnh. Cảm giác thật tuyệt khi ban ngày làm việc chăm chỉ mà ban đêm được nghỉ ngơi đầy đủ.

Theo tâm lý cá nhân, tôi cảm thấy mình đã vượt qua 80% người thường và quan trọng nhất là vượt qua được độ ỳ của bản thân. Điều này đem lại sự thỏa mãn giúp tôi duy trì thói quen mỗi ngày.

03. Không chỉ thức dậy sớm, quan trọng nhất là bạn làm gì vào buổi sáng

Nhiều người bỏ cuộc ở Giai đoạn 2 vì họ bỏ qua một điều quan trọng: ý thức về mục đích. “Không chỉ thức dậy sớm, quan trọng nhất là bạn làm gì vào buổi sáng?” Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi này 3 lần và suy nghĩ về nó trước khi bắt đầu hành động.

Nếu bạn không thể dậy sớm, có thể là do bạn thiếu mục đích, hoặc do ý thức về mục đích không đủ mạnh. 

Thức dậy lúc 6h mỗi ngày trong suốt 5 năm, cuộc sống của tôi thay đổi thế nào? Minh mẫn, tự tin và thành công hơn! - Ảnh 3.

Việc chạy 30 phút hay đọc 20 trang sách mỗi ngày không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện để bạn đạt được mục đích. Nên đặt ra mục đích rõ ràng, cụ thể, mong muốn sâu sắc và có thể đạt được. 

Chẳng hạn như, thay vì có mục đích trừu tượng “để bản thân trở nên tốt hơn”, hãy phân chia cụ thể bạn cần “tốt” như thế nào. “Tôi muốn được đỗ vào đại học trọng điểm trong năm sau”; “Tôi muốn tìm việc làm thêm có thể kiếm 3 triệu đồng tiêu vặt mỗi tháng”; “Tôi muốn giảm 5kg trong 3 tháng để thon thả hơn”...

Khi mục tiêu thực sự nói lên mong muốn trong trái tim, bạn nhất định sẽ dốc hết sức mình để đạt được nó. Đây sẽ luôn là động lực thúc đẩy bạn tốt hơn và sẽ giúp bạn vượt qua những ngày khó khăn nhất.

Có thể những thay đổi sẽ không đột ngột xuất hiện, nhưng đừng đánh giá thấp sức mạnh của thời gian, cũng đừng đánh giá thấp sức mạnh của bản thân. Sau 5 năm kiên trì, nhất định bạn sẽ thay đổi. 

*Theo Ap Network, Zhihu

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên