Thúc đẩy xây dựng hạ tầng các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương
Là những địa phương đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước, Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đang đẩy mạnh các dự án xây dựng hạ tầng. Dù vậy, vẫn còn không ít vướng mắc cần được tháo gỡ.
- 22-05-2023Doanh nghiệp sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam
- 22-05-2023Đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân
- 22-05-2023Đây là cách nước cạnh Việt Nam kiếm 'sương sương' 11 tỷ USD trong chưa đầy 5 tháng
Bên cạnh những khó khăn về giá nguyên vật liệu tăng cao hay giải phóng mặt bằng (GPMB) thì tình trạng thiếu nguồn vật liệu san lấp đang tác động lớn tới tiến độ xây dựng hạ tầng của các địa phương. Như tại Quảng Ninh, nhiều dự án giao thông nghìn tỷ đều “vướng” chậm giải ngân do thiếu hụt nguồn đất đắp, hạ tầng khu công nghiệp (KCN) “khát” vật liệu san lấp… Theo tính toán, trung bình mỗi năm, Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m3 đất đá san lấp để triển khai các dự án trọng điểm nhưng theo quy định hiện hành, “đất san lấp” được xác định là “khoáng sản” trong khi các mỏ đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất khiến thời gian chờ khai thác kéo dài.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng, nếu coi đất san lấp là khoáng sản thì trình tự để cấp phép 1 mỏ đất san lấp cần khoảng 15 thủ tục hành chính, liên quan đến 7 Luật và thời gian nhanh nhất khoảng 300 ngày theo quy định.
“Một doanh nghiệp trúng quyền đấu giá khai thác khoáng sản rồi, nhưng khi đấu giá đất thì phải thoả thuận với người sử dụng đất. Người sử dụng đất không thoả thuận mà cứ nâng giá cao lên thì rất khó khăn trong việc thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư. Do đó, giá đất ngày càng cao lên, gây bất ổn, nhiều khi mất an ninh trật tự. Chúng tôi mong muốn định nghĩa lại “đất san lấp không phải là khoáng sản, là vật liệu xây dựng thông thường’”, ông Cao Tường Huy đề nghị.
Hiện cả Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đang đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, khẳng định vai trò trọng điểm kinh tế khu vực phía Bắc, tạo động lực tăng trưởng cho cả vùng. Trong đó, liên kết về hạ tầng giao thông chính là “điểm sáng” với nhiều tuyến đường, cây cầu mang tính đột phá. Đối với việc tiếp tục triển khai đầu tư kết nối giao thông, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện các dự án đầu tư công giao thông đường bộ (không phải quốc lộ) kết nối các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương còn bất cập do chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý, việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự án đi qua 2 địa phương còn vướng mắc do phải đảm bảo nguyên tắc bố trí nguồn vốn theo phân cấp…
Cũng liên quan đến lĩnh vực này, nhằm nâng cấp tổng thể tuyến đường bộ ven biển qua Hải Phòng – Thái Bình, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề xuất mở rộng nền đường đối với 9km trên địa bàn Thái Bình để đồng bộ với đoạn tuyến trên địa bàn Hải Phòng: “Quy định thì ngân sách của Hải Phòng không thể mang sang Thái Bình để đầu tư mở rộng 9km này được. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sử dụng đầu tư công của trung ương, giao cho Thái Bình làm chủ đầu tư để thực hiện 2 dự án đơn nguyên cầu qua sông Thái Bình và mở rộng 9km này, tránh ách tắc khi lên cao tốc”.
Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với 3 địa phương TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương ngày 10/5 vừa qua, đại diện các Bộ, ngành liên quan đã trực tiếp tham gia ý kiến, hướng tới điều chỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế tại từng địa phương. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, với Nghị quyết thí điểm hiện đang trình Quốc hội, rất nhiều vướng mắc liên quan đến xây dựng công trình giao thông đường bộ sẽ được giải quyết.
“Giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình. Tiếp theo là vướng mắc với rất nhiều tỉnh mà trên thực tế Chính phủ đã giao rồi, giờ chúng ta quy phạm hoá lại, đó là giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, và sử dụng ngân sách của địa phương này để hỗ trợ vốn cho địa phương khác”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết thêm.
Các địa phương cũng đề xuất điều chỉnh nâng chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục và thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thống nhất quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án. Lãnh đạo nhiều Bộ, ngành nhấn mạnh, đây không phải là những vướng mắc cá biệt của riêng địa phương nào, liên quan đến việc cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở…
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo chi tiết, có đề xuất những giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn gửi Chính phủ để làm căn cứ xem xét, điều chỉnh. Tháo những “nút thắt” này, kỳ vọng các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương tiếp tục vượt khó, duy trì đà tăng trưởng, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới./.
VOV