Thức đêm livestream bán cây cảnh, thu hàng chục triệu đồng mỗi tối
Với khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục livestream bán cây cảnh trên các nền tảng mạng xã hội, anh Đỗ Đình Nam (Nam Định) có thể thu về tới hàng chục triệu đồng.
- 24-06-2024Livestream bán xe ô tô
- 21-06-2024Thu giữ 10 tấn hàng chuẩn bị livestream được ngụy trang trong quán tạp hóa
- 20-06-2024Kho hàng lậu phục vụ livestream của hot girl Cà Mau thu 300 triệu/ngày: Rộng 300m2, 10 tấn hàng chất đống
Đã gần 2 tháng nay, đều đặn vào 20h hàng ngày, anh Đỗ Đình Nam (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) lại chuẩn bị “đồ nghề” để livestream bán cây cảnh trên các nền tảng mạng xã hội như Tik Tok hoặc Facebook. “Đồ nghề” của anh Nam chỉ đơn giản gồm một chiếc điện thoại thông minh cùng một đèn chiếu sáng. Theo anh Nam, công việc này giúp anh có thêm thu nhập, sau khi trừ đi mọi khoản chi phí, lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng.
“Trước đây, tôi chỉ bán cây cảnh cho khách đến xem tại vườn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhận thấy các sản phẩm được bán qua mạng xã hội có lượng khách hàng ổn định, tôi đã chuyển hướng livestream bán trên mạng xã hội và không ngờ lại đạt kết quả tốt. Vì thế, gần 2 tháng nay, tôi tập trung chỉ bán hàng trên mạng xã hội ”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, với mỗi cây cảnh được người xem livestream nhận mua, khách sẽ phải đặt cọc từ vài trăm nghìn cho đến hàng triệu đồng. Sau đó, đối với những cây cảnh nhỏ, anh Nam trực tiếp đóng gói gửi cho khách, còn với các cây to, phải vận chuyển bằng xe tải, khách sẽ trả thêm tiền vận chuyển trước.
“Cây cảnh tôi bán đa dạng về mẫu mã và giá tiền, từ cây thấp nhất giá 500.000 đồng cho đến cây giá trị cao lên tới vài chục triệu đồng. Mỗi tối chỉ cần bán được 5-6 đơn, lợi nhuận thu về có thể lên tới tiền triệu” , anh Nam chia sẻ
Lý giải về việc tại sao phải thức đêm để livestream mà không bán vào các khung giờ khác trong ngày, anh Nam cho biết, khoảng thời gian 20h hàng ngày là thời điểm khách hàng đã xong hết công việc cá nhân nên mới có nhiều thời gian ngồi xem livestream. Vì thế, người bán buộc phải lựa chọn khung giờ đêm muộn để có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Mặc dù mức thu nhập có thể coi là ổn định nhưng theo anh Nam, công việc này không nhàn hạ như nhiều người nghĩ. Bởi, ngoài thời gian ban đêm phải livestream bán hàng, anh Nam và các cộng sự của mình còn đi khắp nơi tìm mua cây chưa thành phẩm. Sau đó, lại tiếp tục các công việc uốn nắn, cắt tỉa để cây thành hình nghệ thuật, đủ điều kiện bán cho khách.
“Nhóm mình có khoảng 5 người liên tục đi mua cây, sửa cây rồi bán. Đặc thù của việc bán hàng trên mạng là mình phải có nhiều sản phẩm, đổi mới liên tục. Nếu không thì việc livestream bị gián đoạn, khách hàng sẽ bỏ theo dõi, việc kinh doanh sẽ mất hiệu quả. Số tiền thu được cũng phải chia đều cho 5 người nên tính ra, thu nhập của công việc này chỉ ổn định chứ không hẳn là quá cao” , anh Nam chia sẻ.
Tương tự anh Nam, tại làng nghề cây cảnh Điền Xá với tuổi đời hơn 800 năm, người dân đang dần thay đổi thói quen bán hàng truyền thống. Thay vì đợi khách tới vườn chọn mua cây thì giờ đây, hàng loạt tài khoản mạng xã hội mang tên các nhà vườn đã được đăng ký để giới thiệu cây cảnh tới khách hàng trên cả nước.
“Kinh doanh qua mạng đã giúp các nhà vườn, người trồng cây cảnh kết nối được với nhiều khách hàng hiện tại và cả khách hàng tiềm năng mà họ không cần gặp mặt, dễ dàng nhắn tin trao đổi với khách mà không tốn chi phí” , chị Đỗ Thị Trang (chủ nhà vườn Hải Trang) cho biết.
Theo chị Trang, ban đầu cả làng chỉ lác đác 1-2 người bỏ công đi học livestream để bán hàng trên mạng, sau đó ngày càng đông hơn.
“Chi phí để đầu tư cho việc livestream không quá lớn vì hiện nay ai cũng có điện thoại thông minh rồi, chỉ cần thêm vài trăm nghìn cho đến 1 triệu đồng là đã có hiệu quả kinh doanh lại rõ rệt. Vì thế việc livestream bán cây trên mạng dễ dàng lan tỏa tới nhiều nhà vườn trong làng”, chị Trang nói.
Cũng từ mạng xã hội, người nông dân trồng cây cảnh tại làng nghề Điền Xá có cơ hội tiếp xúc với nhiều tệp khách hàng hơn. Từ đó, các sản phẩm cây cảnh truyền thống của làng được quảng bá rộng rãi. Nhiều người từ các vùng xa xôi đều tìm về làng nghề Điền Xá để xem cây cảnh sau khi nghe giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, giúp đời sống của người dân được cải thiện không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê, cho hay, 100% hộ dân trong làng hiện làm nghề cây cảnh, thu nhập bình quân đầu người đạt tới 90 triệu đồng/người/năm.
VTC News